Saturday, February 24, 2018

Gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức gửi đơn yêu cầu giảm án tù, theo luật hình sự mới

Tháng 2/2018, gia đình của anh Trần Huỳnh Duy Thức đi thăm anh, chuyến đầu tiên của năm.
Ở nhà tù tại Nghệ An, lúc này là những ngày rất lạnh.
Gia đình nói sức khỏe của anh Trần Huỳnh Duy Thức có vẻ khá hơn đợt trước, tức đợt vào năm 2017 mà anh bị giam trong buồng tối, ảnh hưởng nặng đến mắt.
Tháng 1/2010, anh Trần Huỳnh Duy Thức bị kêu án 16 năm tù. Trong phiên xử, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyên bố mình bị bức cung và yêu cầu tái xét sự việc.
Anh và các đồng sự bị bắt vì cổ súy cho một cuộc đấu tranh bất bạo động, và cho đến bây giờ anh không nhận bất kỳ một tội danh nào mà tòa án Nhà nước VN gán cho anh. Đã đến lúc mà các bút lục của vụ án cần được mở lại với sự soi chiếu trước quốc tế để xét lại về tính hợp lý và hợp pháp của bản án 16 năm tù áp đặt cho anh.
Tính theo ngày tháng, 20/1/2018 vừa rồi, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã chịu thời gian giam giữ 8 năm, phân nửa bản án của Nhà nước VN đưa ra. Trong suốt 8 năm ấy, anh đã chịu đựng nhiều sự đối xử khắc nghiệt, được gia đình cấp báo ra bên ngoài.
Anh Thức là người quyết liệt từ chối việc bảo trợ của quốc tế, để đi tỵ nạn nước ngoài, thoát khỏi sự cùng cực trong nhà tù. Nói với gia đình mình, anh khẳng định rằng muốn được sống và chết cho lý tưởng, trên quê hương của mình.
Những tin tức mới nhất, cho biết gia đình anh Thức đang cùng anh gửi đơn lên Tòa án nhân dân tối cao, yêu cầu giảm án tù, chiếu theo các điều khoản trong Bộ luật Hình sự mới (2015) vừa áp dụng
-----------------------------------


Cám ơn anh Trần Huỳnh Duy Tân về cuộc trò chuyện này. Được biết gia đình vừa có chuyến thăm đầu tiên anh Trần Huỳnh Duy Thức trong năm 2018. Nhờ anh cho biết qua về tình hình sức khỏe của anh Thức cũng như tinh thần của anh Thức hiện nay ra sao?
Dạ, hôm mùng 3 Tết vừa rồi, tức vào ngày 18-2-2018, gia đình 5 người đi thăm anh Thức ở Nghệ An, gồm tôi, vợ con anh Thức, chị gái và em trai. Chúng tôi đến buổi sáng và được gặp anh Thức vào lúc 2g40 chiều. Thời gian thăm gặp được 1 tiếng đồng hồ.
Anh Thức đi ra gặp, gia đình nhận thấy sức khỏe ảnh bình thường. Còn tinh thần thì vẫn kiên định như mọi khi và vững tin vào con đường anh Thức đã chọn. Sự tự tin của anh Thức thể hiện trong từng lời nói và thông điệp về cho gia đinh rằng, đừng lo lắng và hãy tin vào công lý, cũng như hãy tin rằng anh sẽ sớm về nhà với gia đình.
Lâu nay, những người đi thăm nuôi các tù nhân lương tâm vẫn hay nói rằng nhìn cách đối xử của cán bộ trại giam thì có thể đoán được phần nào tình hình của người trong nhà tù. Anh Tân có để ý thấy thái độ của cán bộ trại giam như thế nào, đối với trường hợp của anh Thức?
Thật ra thì không khí thăm nuôi anh Thức lần này, cũng như một vài lần trước – khoảng 3 tháng trở lại thì ứng xử của cán bộ trại giam có dễ chịu hơn. Lần này, dù vẫn phải nói chuyện qua một vách bằng kính, tuy nhiên cánh cửa bên cạnh phòng nói chuyện lại để mở khi kết thúc buổi thăm gặp. Trước đây không bao giờ có chuyện đó, nhưng khoảng 3 tháng nay thì cửa mở. Nên vậy, cuối buổi trò chuyện anh Thức có thể bước qua bắt tay và ôm từng người trong gia đình trong thời gian thật ngắn. So với những lúc khó khăn thì thậm chí việc bắt tay, nắm tay cũng không được. Không khí hiện nay cũng không căng thẳng như trước.
Được biết gia đình từng có những đơn xin giám đốc thẩm, yêu cầu xét lại các tình tiết chưa được làm rõ, hoặc bất hợp lý của vụ án. Chuyển biến của các đơn từ đó hiện nay như thế nào, xin anh cho biết?
Trước đây, anh Lê Công Định, anh Lê Thăng Long và anh Nguyễn Tiến Trung – những người chịu chung một vụ án với anh Thức – đã cùng thảo, và đưa ra một lá đơn yêu cầu giám đốc thẩm vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm vào ngày 9-1-2015. Đơn đã được gửi đến ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Thế nhưng mọi thứ vẫn im lặng, không có phản hồi gì. Trong đơn đã nêu các lý do yêu cầu giám đốc thẩm là:
  1. Thủ tục tố tụng vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến việc điều tra, truy tố và xét xử.
  2. Việc xét hỏi tại phiên tòa phiến diện, không đầy đủ.
  3. Nhận định và kết luận trong Bản án sơ thẩm và phúc thẩm không phù hợp với tình tiết khách quan của dự án.
Đó là phía những người bạn của anh Thức, còn về phía gia đình thì sao?
Trước khi có lá đơn đó, ba của anh Thức có làm đơn xin giám đốc thẩm với những chứng cứ cần được xét lại. Nhưng lúc đó Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân tối cao đã bác, và nói là không có gì để xét lại cả. Rồi đến đơn yêu cầu giám đốc thẩm của 3 anh như vừa nói, mọi thứ vẫn hoàn toàn im lặng.
Mới đây, anh Thức có gửi một lá đơn đến Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, yêu cầu xem xét lại án tù của mình, và giảm án chiếu theo Bộ luật Hình sự mới. Đơn được anh Thức gửi đi từ trại giam vào ngày 28-1-2018 vừa rồi với các căn cứ:
  • Khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2018) quy định “Một hình phạt nhẹ hơn và quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật có hiệu lực thi hành”.
  • Điểm b, Khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết 41/2017/QH14 v6e2 việc thi hành BLHS 2015 cũng quy định: “Quy định hình phạt nhẹ hơn, giảm hình phạt và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tôi xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018 hoặc đối với người đang được xét giảm chấp hành hình phạt”.
  • Khoản 3 Điều 109 BLHS 2015 có quy định một hình phạt nhẹ hơn đối với “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” so với Điều 79 BLHS 1999 là “Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt từ 1 đến 5 năm”
  • Điều 63 BLHS 2015 quy định: Về việc giảm hình phạt đã tuyên; Không quy định người được giảm hình phạt phải nhận tôi; Người chấp hành án phạt tù được một phần ba bản án thì Tòa có thể giảm thời gian chấp hành hình phạt.
Chiếu theo những điều này, cũng như với thời gian đã chấp hành án thì anh Thức có đủ điều kiện để Tòa án giảm mức hình phạt đã tuyên.
Về phía gia đình cũng sẽ viết lại lá đơn này, với ba anh Thức là người đứng đơn, tiếp tục gửi thêm cho Tòa án Nhân dân tối cao. Đồng thời gia đình cũng sẽ làm việc với các luật sư để được tư vấn và hỗ trợ.
Dạ, cám ơn anh, mong được một ngày nghe tin tốt về anh Thức.

(Tuấn Khanh ghi)

Ba bài hát để tưởng niệm các oan hồn nửa thế kỷ

Tưởng niệm, một trong các phương thức, chắc không có gì gần gũi bằng âm nhạc.
Tôi chọn viết ra đây 3 bài hát với những chi tiết cần thiết, mồn một như lịch sử được ghi lại bằng âm nhạc, để ngàn đời sau còn được ngâm nga lên trong ký ức dân tộc này.
Nếu những kẻ gây ra tội ác chấp nhận sự thật, các giai điệu này nhắc về quá khứ đau buồn và dân tộc cùng nhau gầy dựng lại, để nhắc nhau không đi vào vết xe đổ, để cùng nhau tìm về một tương lai.
Còn nếu không, thì những lời hát này, sẽ thay cho hàng ngàn linh hồn oan khuất, mãi mãi vang theo từng bước chân của thế hệ Việt Nam, đòi một cuộc giải oan, đòi một tiếng công bằng từ thảm trạng.
Xin dành đôi phút của cái tết Mậu Tuất, để nghe lại, và nhớ lại và nghĩ lại về đất nước này, như một người Việt Nam đúng nghĩa.

----------------------------------------------------------------

CHUYỆN MỘT CHIẾC CẦU ĐÃ GÃY

-----------------------------------------------------------------
“Chuyện Một Cây Cầu Ðã Gẫy” là ca khúc viết năm 1968, khi nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã 31 tuổi; cho nên, nó không phải là một trong những ca khúc đầu tay của ông như nhiều lời bàn.
Trước biến cố kinh hoàng, được biết dưới tên đơn giản là “Tết Mậu Thân Huế, 1968,” một thành phố tựa mối tình đầu của ông, đồng thời cũng là nơi tiếp giáp quê hương Quảng Nam của mình; Trầm Tử Thiêng đã sáng tác ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gẫy!”
Một ca khúc ra đời từ hơn 40 chục năm trước, nay nghe lại người thưởng ngoạn vẫn còn cảm thấy bùi ngùi. Ngay cả khi người nghe không có một chút ấn tượng, hiểu biết gì về biến cố ghê rợn ấy.
Có dễ vì âm điệu của ca khúc được xây trên nền của các câu hò, hoặc dân ca Huế, như Nam Bình, Nam Ai... thích hợp với nội dung, khí hậu của bản nhạc (?)
Ðã thế, ông còn “vẽ” lại một cách lớp lang, thứ tự như một truyện ngắn cảm động bằng âm nhạc, nên dù ai nghe, cũng khó cầm lòng!
Ca khúc mở đầu bằng sự nhớ lại những ngày đầu tiên, khi chiếc cầu được xây dựng:
“Một ngày vào thuở xa xưa trên đất Thần Kinh - Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh - Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời - Khắp cố đô dân lành vui ca thành điệu Nam Bình - Niềm vui bao lâu ước mơ giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ - Thỏa lòng người dân hằng chờ có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ.”
Rồi trải qua hàng trăm năm với mưa, nắng, buồn, vui, những cuộc đời thơ mộng, trưởng thành, qua đi, để bao thế hệ tiếp nối lại được mùa hẹn hò, được sống như thi ca trước sự chứng kiến của chiếc cầu nối liền hai đầu tử, sinh đó.
Trong tác phẩm của Trầm Tử Thiêng, chiếc cầu không còn là một kiến trúc, một vật thể làm phương tiện nối liền đôi bờ một con sông mà, nó còn là chứng nhân tình cảm, trung tín nhất của những người ra đi, gầy dựng tương lai, nhưng vẫn không quên lời nguyện thầm, trở về:
“Từng đoàn người dệt tương lai đi nắng về trưa - Dập dìu trong tay chan chứa tình thương - Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường - Áo trắng về trắng cầu quê hương - mỗi lần chiều tan trường - Cầu quen đưa bao chuyến xe - Nhiều khi vẫn nghe buồn vui tràn trề - Âm thầm người đi, người về, trót ghi lời thề ngoài miền sơn khê.”
“Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em - Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau - Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu - Nước dưới cầu trong veo - Như cuộc tình duyên nghèo...”
Thế rồi, bất ngờ, thảm họa xẩy ra:
“Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui - Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi - Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi - Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài...”
Nhân nhắc tới ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gẫy” của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tôi nghĩ có dễ ít người biết cách đây nhiều chục năm, khi được nhạc sĩ Anh Bằng đồng ý cho hát thử trong băng nhạc Dạ Lan (tiền thân của trung tâm băng nhạc Asia). Nhựt Thanh khi ấy còn rất trẻ, đã chọn ca khúc đó để quyết định vận mệnh đời ca hát của mình...
Kết quả, một sớm một chiều, tiếng hát Trường Thanh (tức Nhựt Thanh) được nhiều thính giả đón nhận.
Thời gian đó, Trường Thanh không chỉ là một tiếng hát ăn khách, mà anh còn tạo lấy cho mình một trung tâm băng nhạc riêng: Trung Tâm băng nhạc Trường Thanh nữa.
(Du Tử Lê - Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Chuyện một Chiếc Cầu Đã Gãy)
Nghe nhạc CHUYỆN MỘT CHIẾC CẦU ĐÃ GÃY (http://bit.ly/2BvX6xx)

------------------------------

CƠN MÊ CHIỀU

------------------------------
Tưởng niệm 50 năm thảm sát năm Mậu Thân, Huế, qua một status của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, tôi tìm gặp và trò chuyện được với người nhà của tác giả Cơn mê chiều. Mới biết nhac sĩ Nguyên Minh Khôi (Nguyên chứ không phải là Nguyễn như mọi người vẫn nhầm) vẫn còn sống tại Saigon như một ẩn sĩ. Tên thật của ông là Vĩnh Khôi, cháu của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.
Năm 2018, có lẽ là một năm hit của ca khúc này, bởi rất bài hát Cơn mê chiều thoáng nghe qua, cứ tưởng như một chuyện tình buồn trên đất Thần kinh. Thế nhưng đó lại là một trong ca khúc như lịch sử được ghi bằng âm nhạc, sang trọng và nhẹ nhàng, nói về thảm cảnh của người dân Huế trước thảm nạn Cộng sản năm 1968.
Theo lời kể của gia đình nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi, thì ông đã viết bài này ngay sau những ngày Tết  Mậu Thân, khi ông vội chạy ra Huế để thăm người yêu, mà sau này là vợ của ông. Bài hát được tức cảm, viết ngay tại thành phố Huế, ngay trước khung cảnh tan hoang của quê nhà. Căn nhà của song thân nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi lúc đó ở đường Phan Bội Châu  (nay là Phan Đăng Lưu), bị trúng đạn. Khi ông tìm đến thì chỉ thấy ngôi nhà đổ nát nên bàng hoàng vì đã không có tin tức gì của người yêu, lại thêm nỗi đau có thể mất cả song thân.Trong cảm xúc đau buồn tột cùng đó, nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi. đi lang thang khắp thành phố Huế để nhìn nơi sinh ra của mình, nhìn những cảnh hoang tàn, chết chóc bao phủ ... và rồi cảm xúc đó đã viết thành Cơn Mê Chiều. Lúc đó, nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi chỉ vừa 27 tuổi.
Từ 10 năm nay, nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi ít giao tiếp với bên ngoài, cũng như có sáng tác mới, nhưng chỉ thu âm và chia sẻ với người quen biết. Một bài hát khác về Huế, với tâm trạng tương tự, là Huế Mù Sương, có thể tìm thấy ở http://bit.ly/2GhGetn
Nghe nhạc CƠN MÊ CHIỀU (http://bit.ly/2EHPMAI)

----------------------------------------------------------------

BÀI CA TRÊN NHỮNG XÁC NGƯỜI

----------------------------------------------------------------
Về cái Tết Mậu Thân kinh hoàng ở Huế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hai bài hát là “Bài Ca Viết Cho Những Xác Người,” và “Hát Trên Những Xác Người” được sáng tác năm 1968, sau khi Trịnh Công Sơn từ Huế trở về Sài Gòn. Những ngày diễn ra biến cố tại Huế, Trịnh Công Sơn có mặt tại cố đô.
Một người bạn thân của nhạc sĩ, là hoạ sĩ Trịnh Cung, hồi tưởng rằng Trịnh Công Sơn có kể với ông những tình tiết đã xảy ra cho người nhạc sĩ trong những ngày lưu lại Huế. Hoạ sĩ Trịnh Cung cho biết, tác giả bài ca Hát Trên Những Xác Người, suýt chút nữa, đã trở thành nạn nhân của Biến Cố Mậu Thân. “Gia đình Sơn bị lùa vào tập hợp tại một điểm tập trung tại Huế. Em Sơn là Trịnh Quang Hà cũng bị lùa vào. May mắn cho Sơn, những người bộ đội là từ miền Bắc vào, họ không biết Sơn là ai. Chứ nếu Sơn bị những người địa phương bắt, thì chắc anh em Sơn cũng đã cùng chung một số phận tại mồ chôn tập thể ở Bãi Dâu.
Trong một bài viết cách đây vài năm, nhà văn Phạm Xuân Đài, cũng là một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã khẳng định, hai nhạc phẩm viết như là vai trò của một nhân chứng.
Ông viết: “Toàn là những xác người, gần giống như những thước phim tài liệu của Đức Quốc Xã ghi hình ảnh thi hài chồng chất của người Do Thái. Bài hát này của Sơn là một phóng sự bằng nghệ thuật cho người đời biết thế nào là sự chết chóc khi “anh em ta về” thành phố Huế dịp Mậu Thân. Chắc chắn, đó là dịp Sơn nhìn gần cái chết tập thể nhất, nhìn thấy sự man rợ, tuy vẫn thuộc phạm vi cuộc chiến nhưng không phải thuần tuý do động lực chiến tranh. Cả hai bài hát có cùng một đề tài trong hầu cùng một biến cố.”
Những nhân chứng thời ấy nói rằng, các đám tang tập thể tại Huế vào các năm 1968, 1969 là hình ảnh không thể quên cho những ai từng một lần nhìn thấy. Trong bài viết “Mass Murder, Mass Burial” của nhà báo Tito V. Carballo, đăng trên Vietnam Bulletin vào năm 1969, có đoạn mô tả một đám tang tập thể như sau: “Dưới ánh mặt trời chói chang, những dãy quan tài được xếp thành từng hàng ngay ngắn. Bên trong mỗi quan đóng vội này là những gì còn sót lại của các thi hài được tìm thấy. Khoảng 15,000 người, trong áo tang trắng, đứng chịu trận dưới trời nắng chang chang. Một ai đó âm thầm khóc, một ai khác khóc to vật vã. Thỉnh thoảng, họ lại nhìn nhau như thể đang tìm một lời an ủi rằng đây không phải là sự thật, đây chỉ là một giấc chiêm bao.” Mậu Thân 1968, những gì xảy ra cho người đã chết, sẽ còn mãi trong lòng người đang sống. Biến cố ấy sẽ không trôi qua trong quên lãng. Mậu Thân 1968, đã để lại dấu vết trong âm nhạc, trong văn chương, trong hồi ký, và trên báo chí. (Sưu tầm)
Nghe nhạc  BÀI CA TRÊN NHỮNG XÁC NGƯỜI (http://bit.ly/2BvX6xx)

- Chiều 30 Tết, Xuân Mậu Tuất, Sài Gòn -

Nghệ thuật chôn sống


Vài ngày sau khi có lá thư được cho là của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phát đi, khẳng định rằng ông không có mặt ở Huế vào xuân Mậu Thân 1968, sự kiện này đã làm bùng phát nhiều lời bàn trên các trang mạng, báo chí…
Cũng có không ít người đứng ra, nói rằng nếu như vậy thì cần giải oan cho ông Tường khỏi vũng máu nhầy nhụa của cuộc thảm sát thường dân ở Huế. Cuộc thảm sát mà không có sự che đậy nào có thể làm mất hết mùi tanh của máu, của nỗi đau và sự kinh hoàng về cái gọi là “quân cách mạng” vào thời điểm đó, ở Huế.
Ghê sợ nhất, từ các bài tường trình lưu trữ của hãng AP, của ABC News… và từ cả các quyển sách ghi lại từ các phóng viên và người trong cuộc lúc đó, là chuyện kể về các màn chôn sống đồng loại. Vì lý do gì đó, những người bị chôn sống có dây kẽm đâm xuyên qua chuỗi các lòng bàn tay để tránh chuyện ai đó có thể chạy thoát. Thống kê không đầy đủ từ báo chí nước ngoài nói rằng có khoảng 5000 thường dân đã chết im lặng, chết tức tưởi như vậy, khi tay không có vũ khí và cũng không có ý định kháng cự với “quân cách mạng”.
Một người bạn trên facebook hỏi rằng tôi có ý kiến ra sao về lá thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi đã trả lời rằng mình không cần phải nói thêm gì nữa, vì đã có quá nhiều lời bình luận về chuyện này trên trang của tôi, từ những người rất hiểu biết. Mục đích chính của tôi, cũng không phải là tranh cãi với ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, mà chỉ là muốn làm đậm thêm sự thật.
Trong những ngày rầm rĩ cái gọi là “chiến thắng Mậu Thân” của báo đài nhà nước, có những ngôn luận rất chủ đích, được tung ra trên mạng xã hội rằng những cái chết của đồng bào ở Huế là bịa đặt của bọn phản động. Tôi được nhìn thấy những đường dẫn, những bài viết không được tỏa rộng lắm – cũng như không được hưởng ứng nhiều, nói rằng “bọn ba que lại dựng lên những chuyện này”. Những đường dẫn ấy, có kèm cả những bức hình người dân Huế sau đại nạn ấy đang đào bới tìm xác người thân bị chôn sống. Chắc chắn, lớp trẻ dại tham gia làm tuyên truyền viên không thể tự mình nghĩ ra những cách nói ngu xuẩn và điên cuồng như vậy, nếu không được hướng dẫn như vậy từ những chính trị viên của chúng.
Vì thế, không có gì xác minh câu chuyện thảm sát Huế 1968 từ “quân cách mạng” là có thật – thật đến từng chữ, như cách nhà văn Nguyễn Quang Lập đã mô tả về hồi ký của ông Nguyễn Đắc Xuân – bằng cách đặt lên mọi sự tuyên truyền khốn nạn, bằng chính bức thư xin lỗi của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Tôi buộc phải làm vậy, vì không muốn đồng bào tôi – dù họ chưa hề là người tôi quen biết – lại bị âm mưu đen tối nào đó muốn chôn sống một lần nữa, sau nửa thế kỷ bị che đậy, bị nói ngược, bị điêu ngoa xảo trá.
Nhưng chung quanh câu chuyện của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, người mà đã nửa thế kỷ, khốn khổ vì luôn bị người đời gọi tên và mỉa mai không thôi, vẫn còn chuyện để bàn.
Có lẽ ông Tường đã có nhiều mùa xuân chồng chất những lời nguyền rủa, khiến năm nay đã 81 tuổi, ông buộc phải lên tiếng vì muốn thôi phải chịu đựng những hạn kỳ của dư luận như vậy.
50 năm không là ít. 50 năm là một đời người, thậm chí 50 năm có thể là thời gian chung cuộc của một chế độ.
Ấy vậy mà 50 năm qua, những đồng chí của ông Tường chưa bao giờ lên tiếng chính thức cho ông, để ông thoát khỏi câu chuyện là người có mặt trong những đêm dã thú ở Huế 1968. Thậm chí những người đã vỗ vai, bắt tay khen ngợi ông Tường, đặt ông vào chức Tổng thư ký Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Thành phố Huế, tức lực lượng chịu trách nhiệm lấy danh sách để bắt và xử những người ở Huế vào năm 1968, cũng không ai lên tiếng, nói giúp rằng ông Tường không có mặt trong cuộc thảm sát, như thư ông Tường phân minh.
Hãy tạm gác lại trách nhiệm của ông Tường. Vấn đề trách nhiệm của những người trong “quân cách mạng” mới thật đáng nói. Họ đã để lửng lơ câu chuyện của ông Tường với nghi án ấy như một kiểu đẩy mọi tội ác cho ông Tường gánh giùm. Đã vậy, năm 1981, “quân cách mạng” đẩy ông Tường ra phát ngôn trước ống kính quốc tế, lợi dụng tinh thần đắc lực lẫn tính hám danh của ông. Và như vậy, “họ” đã âm mưu chôn sống ông Tường lần đầu một cách rất hào nhoáng.
Em của ông Tường, ông Hoàng Phủ Ngọc Phan, người được dư luận nói rằng là một thủ ác không cần bàn cãi vào năm 1968, cũng im lặng. Thật khó mà tìm thấy một bài viết chính danh nào của ông Phan bênh vực về trường hợp người anh của mình. Nói một cách nào đó, nhát xẻng góp phần chôn sống ông Tường, chắc có cả của ông Phan.
Năm 2018, nửa thế kỷ tội ác Mậu Thân 1968, khi truyền thông nhà nước nói rằng “ăn mừng”, thì dường như ông Tường không thể cùng vui với niềm vui chiến thắng như vậy. Ông phải tự đưa ra bức thư minh oan cho mình. Chỉ có một số ít bạn văn và những người quen biết lên tiếng yểm trợ cho ông. Nhưng mọi thứ lại bị chìm sâu trong tiếng nhạc mừng 50 năm “cuộc tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân”. Một lần nữa không có ai trong hệ thống cất lời giúp cho ông Tường.
Thế kỷ của nhân loại hôm nay quả tinh xảo. Chôn sống có thể chỉ một lần để giết chết. Nhưng vẫn có những loại nghệ thuật chôn sống, mà khi nhìn lại đời, mới biết mình lịm dần vì đã tin vào những kẻ đã vỗ vai, bắt tay khen ngợi.

Sunday, February 4, 2018

Thôi không cầm súng, con người tất an nhiên


Trên trang facebook của chàng thanh niên Nuseir Yassin, vẫn thường được gọi tên là Nas Dailly, có post một video cảm động và lạ thường.
Đó là câu chuyện của hai người đàn ông sau 44 năm tìm thấy nhau. Quá khứ của họ thăm thẳm tối nhưng nụ cười về tương lai thì tỏa sáng.
Chuyện của video được tóm tắt như sau: Nhiều năm trước khi còn là một quân nhân của Hy Lạp, Iannis kết thúc đời binh nghiệp của mình bằng kỷ niệm khó quên khi nhận một viên đạn vào đầu, được bắn từ phía đối phương là Fethi, quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng may mắn là Iannis không chết. 30 năm sau, ông viết lại câu chuyện đời mình trong một cuốn sách. Lạ lùng thay, Fethi lại ngẫu nhiên đọc được cuốn sách ấy. Với những mô tả rất rõ về trận đánh, sự kiện… ông Fethi nhận ra rằng tác giả cuốn sách chính là người mà ông ta đã nhắm bắn.
Fethi đã tìm cách liên lạc với Iannis và xin được tha thứ, và rồi ông nhận lại được một tình bạn từ kẻ mà mình đã từng muốn đoạt mạng sống. Cuộc xung đột chính trị ở Síp, quốc đảo xinh đẹp nằm ở phía Đông Địa Trung hải năm xưa, đã khiến hai thường dân hiền lành bị biến thành thù địch. Và giờ đây họ sánh vai với nhau, bước qua mọi thứ như những con người an nhiên nhất trên địa cầu.
Bản video đã nhận được hơn 100.000 like, hơn 35.000 lần chia sẻ và hàng ngàn lời bình luận. Có lẽ nó đã làm cảm động không ít người đã đi qua chiến tranh. Và chắc bản video này chắc rồi cũng sẽ làm nhiều người Việt Nam cảm động. Bởi Việt Nam có đủ các kinh nghiệm của một quốc gia bị xâu xé bởi các loại chủ nghĩa anh hùng và giải phóng, biến những người cùng màu da, tiếng nói trở thành hận thù. Câu chuyện của Fethi và Iannis tựa như một cánh cửa khác của sự tỉnh thức vào lúc này.
Vào lúc này – bởi đây là những ngày hệ thống truyền thông nhà nước rầm rộ tự ngợi ca về chiến dịch Mậu Thân 1968 tấn công tràn vào đời sống thường dân miền Nam. Sự rầm rộ ấy khiến người ta nhận ra rằng, sau nửa thế kỷ đã toàn trị, nhà cần quyền vẫn bước hoang mang tìm kiếm một hình dạng chính nghĩa. Thật khác với những người đàn ông vô danh trong bản video của Nas Daily, nhà nước rõ là không thể có được sự an nhiên, vì vẫn luôn còn tự đắc với những câu chuyện của ngày cầm súng.
Fethi và Iannis không còn trẻ con để biết rằng chuyện chĩa súng vào nhau là điều đáng để vứt đi. Họ ôm nhau và cười để nói những câu chuyện về ngày không phải còn phải cầm súng. Cuộc đời không phải là để cho bọn cầm quyền, bọn làm chính trị và tung hô chủ nghĩa lợi dụng. Và câu chuyện hai người đàn ông khoác vai nhau đi trên một con đường, đã không thể bị bất kỳ chính quyền nào sử dụng làm công cụ tuyên truyền chính trị.
“Hãy nhận rõ, bọn chính quyền không có lương tâm. Đôi khi chúng lêm giọng về chính sách, nhưng rồi sau đó không còn gì hơn nữa cả”. (By definition, a government has no conscience. Sometimes it has a policy, but nothing more). Albert Camus (1913-1960) đã nói. Quả vậy, khi con người vượt qua những thứ đó để tìm đến nhau, họ nhận rõ mọi thứ, kể cả rõ về kẻ đã tìm cách mở một cuộc chiến hay lên giọng sau một cuộc chiến.
Việt Nam cũng đã từng có nhiều cơ hội cảm động thuần túy để nhắc nhau như vậy, chẳng hạn như dịp cựu binh Frederic Whitehurst trao lại nhật ký Đặng Thùy Trâm. Câu chuyện một cô gái trẻ bị đẩy vào bom đạn, nếu được soi chiếu hoàn toàn dưới góc nhìn nhân bản, không nhuốm màu chính trị, ắt hẳn sẽ còn lưu truyền mãi về sau, hơn là qua một đợt truyền thông phong trào.
Một ngày nào đó, có thể người Việt sẽ được tự do làm nhiều video nhỏ như trên Nas Daily, nói về người Việt Nam thương yêu nhau, và biết ăn năn và biết đoàn kết chỉ cho vận mệnh quốc gia. Một ngày nào đó, con người trên đất nước này không còn bị đặt tên là kẻ thù, không còn bị xô vào trận làm kẻ sát nhân hay tội đồ, hoặc tự xướng danh một cách vô liêm sỉ.
-----------------------
Về trang Nas Daily:
Theo mô tả từ các trang giới thiệu Nas Daily, thì đây là trang video của Nuseir Yassin, một thanh niên mang hai giòng máu Palestinian Israeli, năm nay 26 tuổi. Trang facebook với các video ngắn khoảng 1 phút đủ các câu chuyện trên đường đi của anh ta, thu hút đến hơn 4,5 triệu người theo dõi trang.
Đang là một nhân viên viết nhu liệu của PayPal với mức lương rất cao, Nuseir Yassin đã bỏ việc và lên đường với một chiếc camera để ghi lại mọi việc trên thế giới mà anh thấy, từ hơn một năm trước.
Năm 19 tuổi, Nuseir Yassin nộp đơn học ở đại học Havard. Bài luận của anh gây chú ý khi mô tả nỗi thất vọng của mình khi là một người Ả rập sinh ra trên đất Do thái, và vấp phải nhiều chướng ngại của số phận trớ trêu.
Bằng những video dài trên dưới 1 phút, Nuseir Yassin đang tạo ra mọt phong cách đặc biệt của vblog, và tạo niềm cảm hứng cho hàng triệu thanh niên đang bắt đầu thực hiện những video ngắn đầu tiên của mình.
-----------------------
Để xem video về câu chuyện của Fethi và Iannis, xin vào: