Saturday, December 31, 2016

Thư cho người bạn trẻ: Giấc mơ ngày mới


Nàm 2017 gõ cửa nhà tôi. Gỡ tờ lịch cuối cùng xuống như khép lại căn phòng thời gian đã hết, tôi nhìn thấy ba trăm sáu lăm ngày mới, trắng tinh xếp hàng dài, im lặng nhìn mình. Và như mọi năm, tôi lại tự hỏi với điều rất cũ “những gì sẽ đến, ngày mai, trên đất nước này?”.

Câu hỏi ấy, mỗi năm, tôi - và có lẽ là còn nhiều người khác nữa - vẫn tự hỏi như vậy. Những niềm hy vọng thấp thỏm về ngày mai tốt đẹp hơn trên quê hương luôn âm ỉ trong suy nghĩ. Những ngày mai vô định như nhà thơ Antonio Machado (1875-1939) khi ngồi ở biên giới nước Pháp, từng chiều nhìn qua hàng rào kẽm gai và nghĩ về quê hương Tây Ban Nha của mình. Machado đã qua đời trong niềm hy vọng. Và chúng ta, đôi khi giật mình, vì từng năm như vậy cứ chậm chập trôi qua, khi nhìn lại thì đã gần nửa thế kỷ, gần cạn một đời người, cũng với niềm hy vọng đó.

Mọi lời chúc và hy vọng cho năm mới vẫn như vậy. Tràn ngập trên facebook và điện thoại của tôi là những tin nhắn mừng năm mới. Năm thì mới nhưng nội dung thì không mới: vẫn là hạnh phúc, thịnh vượng…  Con người ngàn đời luôn khắc khoải mang giấc mơ về ấm no và bình yên. Nhưng hy vọng đó cũng là một loại ảo ảnh đáng sợ, nó lôi dắt con người chạy mệt nhoài về phía trước.

Ở các quốc gia độc tài, khái niệm hạnh phúc và bình yên được dùng như một loại ecstasy ảo giác toàn dân. Các nhà lãnh đạo quen lối mị dân vẫn hàng ngày cất lên những bài hát ru về hạnh phúc và bình yên ấy để mê mị đám đông, để họ tiện tay đục khoét đất nước và đặt ra những luật lệ trói buộc con người, để bảo toàn sự thống trị thô bỉ của họ.

Tôi và bạn, chúng ta may mắn sinh ra trong lòng một dân tộc truyền đời dạy cho nhau về yêu thương, về chia sẻ. Chúng ta được học rằng người Việt sẽ vượt qua mọi thứ khi đoàn kết cùng nhau, cũng như thề chết để gìn giữ quê hương và giá trị của tổ tiên để lại.

Nhưng rồi tôi và bạn chứng kiến rằng dân tộc này khi đã thống nhất địa lý trong thời hiện đại, bị áp đặt lòng căm thù với chính anh em của mình. Chúng ta chứng kiến rằng có một lớp người của giai cấp thống trị đang chia chác nhau tài nguyên của đất nước này, phó mặc nhân dân và tương lai vào nợ nần và cùng cực.

Chúng ta cũng sửng sốt khi nhận ra rằng nước Việt bị những người cầm quyền nhân danh, tuyên bố đoàn kết với kẻ thù, xóa bỏ lịch sử hôm qua đầy máu của các cuộc xâm lược từ phía Bắc, cũng như lịch sử hôm nay biển và xác ngư dân là những câu chuyện đang bị nhấn chìm. Dân tộc chúng ta với Trần Bình Trọng, như Nguyễn Trung Trực, như Nguyễn Thái Học…  đã thề chết cho quê hương mình, nhưng hôm nay, thì một câu nói của chân thành về bọn ngoại xâm cũng có thể đổi lại bằng đày đọa và bất an.

Những ngày tháng hôm qua như vậy đó, liệu chúng ta có nên mang một ước nguyện và hy vọng cho ngày mới rằng mọi thứ cần phải được đổi thay? Tôi đang mơ cho đất nước này và dân tộc mình trước những ngày như vậy, còn bạn?

Trong một chuyến đi với xe ôm Grab, tôi nghe người bạn trẻ kể rằng anh cũng có facebook, nhưng trước đây chỉ dám vào nghe, nhìn, đọc. Bấm một dấu like hay bình luận, anh cũng không dám. Anh thú nhận rằng anh rất sợ. Nhưng rồi gần đây, khi đọc về những câu chuyện về dân lành bị đánh chết trong đồn hỏi cung, do chính báo nhà nước đưa tin, khiến anh cũng đã không dằn được và góp lời bình luận.

Nửa thế kỷ trước, chúng ta đầy sợ hãi, nhưng hôm nay chúng ta có thêm những điều mới mẻ: đứng về phía lẽ phải và đám đông đang ngóng về tương lai, con người đã biết cách vượt qua sợ hãi. Tôi tin trong năm mới này, người thanh niên chạy xe ôm đó chắc cũng mơ một giấc mơ giống tôi, dù đó là một giấc mơ thầm lặng.

Một cô gái nhỏ nhiều năm sống ở Canada, về thăm nhà, kể rằng điều cô làm có ý nghĩa nhất, là đi mua cho ba một chiếc smartphone mới, lập facebook và hướng dẫn cho ba mình vào xem tin tức tự do, chỉ các trang cần theo dõi nhưng không quên dặn ba rằng nhớ đừng bấm nút gì hay bình luận lời nào. Nhưng tôi không tin rằng ông chỉ im lặng, bởi ngày thường, ông là một trí thức và luôn đau đáu về tương lai đất nước mình. Rồi chắc chắn rằng, ông cũng đang mơ một giấc mơ giống như tôi.

Chủ nghĩa Phát xít và Cộng sản Châu Âu từng có sách giáo khoa về cai trị giống nhau, rằng cứ nói dối, mãi rồi cũng sẽ thành một loại sự thật. Những con người sống quen im lặng, vì sợ hãi hay vì tự nhủ rằng nói ra chẳng để làm gì – nhưng đừng bao giờ quên nuôi hy vọng và giấc mơ.  Vì đó chính là khắc tinh của bài học cai trị. Một người nuôi giấc mơ thì nhỏ, nhưng một ngàn người nuôi giấc mơ thì lớn, và khi một dân tộc nuôi giấc mơ thì đó là sức mạnh thay đổi vận mệnh cho tất cả.

Truyền thuyết của nhân loại vẫn còn đó câu chuyện về đoàn người nô lệ và không tương lai, nuôi giấc mơ của mình nên đã cùng nhà tiên tri Moses bước qua dòng sông dữ và về đến vùng đất hứa. Và cùng với ước mơ và hy vọng, mà dân tộc Việt Nam đã từng vượt qua ngàn năm đô hộ, trăm năm thực dân.

Tôi nghe thấy năm mới gõ cửa. Thời khắc của đổi thay như đang đến, bạn có nghe không? Tôi mời bạn cùng tôi ước mơ và hy vọng. Và nếu bạn vẫn còn sợ hãi, thì cứ tạm giữ kín mọi thứ trong trái tim mình, nhưng xin đừng bao giờ vùi chôn, hay lãng quên về một ngày sẽ đến.


--------------------------
Tranh của Lê Thiết Cương

Tuesday, December 27, 2016

2016: Những đại án chưa thể khép



Năm 2016 đã bước qua, những sự kiện lớn lao như lũ lụt, nhân tai thủy điện, thảm họa môi trường Formosa… đã át tất cả mọi thứ, tràn ngập sự quan tâm của dân chúng. Thế nhưng bản ghi nhớ của năm, vẫn còn những câu chuyện về tù đày, oan khiên đang hằn vào con người cần phải được nhắc lại. Đó là những ghi chép về Việt Nam với phần tối đen, vật vã trên hành trình đòi quyền làm người và sự công chính.
Có những số phận treo lơ lửng chờ cái chết, khản giọng kêu oan, và có cả những vụ án tưởng là đã được minh oan, nhưng rồi sự trí trá trong bồi thường. nhận sai của chính quyền từng địa phương khiến họ lại tiếp tục trở thành nạn nhân. 2016 khép lại, nhưng những câu chuyện như vậy vẫn còn tiếp diễn.
Những đại án này, nhắc cho chúng ta nhớ, rằng vài vụ án được đưa ra ánh sáng, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, rằng đâu đó trong các nhà lao, việc đánh đập bức cung, nhục hình vẫn tiếp diễn và vẫn có những con người đang đau đớn gào thét đòi công lý trong lằn ranh của sự sống và cái chết.


Huỳnh Văn Nén
Là vụ án tốn nhiều giấy mực của báo chí, và chấn động dư luận. Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan. Gần 17 năm ngồi tù, cuối năm 2015, ông được minh oan và trả tự do. Trước tòa, ông Nén khai là đã bị điều tra viên Cao Văn Hùng bức cung tra khảo, nhục hình để ép nhận tội. Theo luật sư Phạm Công Út, sau khi ra tù, kết quả giám định tâm thần từ Bệnh viện tâm thần Trung Ương 2 (Đồng Nai) cho thấy ông Huỳnh Văn Nén bị rối loạn cảm xúc không biệt định 21%. Cùng với các tổn thương về gan, mắt... thì tổng tổn thương trên cơ thể ông Nén được xác định 63%.  Mất tất cả, kể cả sức lao động, nên Luật sư yêu cầu bồi thường 18 tỉ đồng. Nhưng Tòa án Tỉnh Bình Thuận nói chỉ bồi thường 2,6 tỉ đồng với lý do ông Nén phải cung cấp đủ các hóa đơn, chứng minh thiệt hại.


Hàn Đức Long
Ông Hàn Đức Long từng bị Công an tỉnh Bắc Giang cáo buộc các tội danh giết người, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em và 4 lần bị tuyên án tử hình. Sau một thời gian dài nỗ lực kêu oan của luật sư, đặc biệt với công sức của luật sư Ngô Ngọc Trai, Ngày 20/12/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tuyên bố trả tự do cho ông Hàn Đức Long sau 11 năm giam giữ với những phần tra khảo, bị buộc phải diễn tập các hành động giết người cho khớp với cáo trạng.  Từ năm 2007 đến năm 2011, qua 4 phiên tòa, ông Hàn Đức Long bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, hình phạt chung là tử hình. Tại phiên xử và trong suốt thời gian bị bắt, ông Long liên tục khóc và kêu oan trước tòa.


Trần Văn Thêm
Ông Trần Văn Thêm, 81 tuổi, chịu án oan tử hình từ hơn 40 năm, đã được nhà chức trách xin lỗi, sau khi ông được minh oan và trả tự do vào ngày 11/8/2016. Khi hồ sơ được giở lại, người ta nhìn thấy các chứng cứ để buộc tội ông Thêm hết sức lỏng lẻo và tùy tiện. Dù bị đánh đập, hành hạ liên tục để ép cung, ông Thêm vẫn thà chết chứ không nhận tội giết người cướp cửa. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy nạn lạm quyền, bức cung phổ biến nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng. Luật sư Nguyễn Văn Hòa, người đại diện cho ông Thêm đang đòi bồi thường cho ông số tiền hơn 12 tỉ đồng.


Nguyễn Thanh Chấn
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn xảy ra giữa tháng 8/2003, khi có một phụ nữ bị hiếp dâm và giết chết. Ông Chấn bị bắt vì bị cho là nghi can và các cuộc điều tra nhanh chóng trong ngục tối bằng roi, gậy và nắm đấm mang lại kết quả là Tòa án tuyên phạt ông Nguyễn Thanh Chấn mức án tù chung thân do giết người “có tính chất côn đồ”. Điều đáng nói, thủ phạm gây ra án oan cho ông Hàn Đức Long và ông Nguyễn Thanh Chấn đều là Kiểm sát viên VKSND tỉnh Bắc Giang, cùng là tên Đặng Thế Vinh. Chính vì “bài bản” chung của Vinh, đã khiến có tình tiết tại tất cả các phiên tòa, cả hai ông Chấn và Long đều một mực kêu oan và tố bị các điều tra viên ép cung, dùng nhục hình để nhận tội và ép làm các việc như viết đơn tự thú, thực nghiệm hiện trường theo ý đồ của điều tra viên. Luật sư Nguyễn Đức Biền, người bào chữa cho ông Chấn nói mức đòi bồi thường mà gia đình đưa ra là 9.3 tỉ đồng.


Nguyễn Văn Chưởng
Vụ án Nguyễn Văn Chưởng là một trong 5 vụ án nghiêm trọng của năm 2015, có dấu hiệu oan sai rõ, mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng lên tiếng chất vấn Chánh án Tòa Án Nhân dân Tối cao vào ngày 13/3/2015. Luật sư Hoàng Văn Quánh, người bào chữa cho anh Nguyễn Văn Chưởng (Sinh năm 1983) đã đưa ra chứng cứ rằng khi vụ án giết người xảy ra, Chưởng đang ở nơi cách đó hàng chục cây số. Thế nhưng công an điều tra dựa vào đó, kết luận rằng Chưởng ở xa vì “là người chủ mưu”. Cho đến nay Nguyễn Văn Chưởng vẫn đang kêu oan chống án tử hình, thậm chí viết thư bằng máu gửi đến công luận. Từ trại giam Trần Phú ở Hải Phòng, tử tù Nguyễn Văn Chưởng gửi thư cho mẹ và gia đình, tường thuật lại toàn bộ vụ việc, khẳng định Chưởng đã bị tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội.
“Thế là họ đánh con tới tấp, không để cho con nói được câu nào nữa, họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu? Và họ nói “Không làm gì thì tao mới đánh chứ làm gì thì đã không bị đánh” và họ lại tiếp tục đánh con tiếp và dùng còng số 8 treo… chỉ có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất…”.
“Khi ở trên trại Kế – Bắc Giang, con đã nghĩ là mình không thể sống được đến lúc ra trước tòa để nói lên toàn bộ sự thật nên con đã thêu lên tất cả quần áo chữ Chưởng VT tức “Chưởng vô tội”. Cả vỏ gối con cũng thêu nữa, còn áo phông trắng con thêu bài thơ kêu oan…”.


Hồ Duy Hải
Là một số phận mong manh trước án tử hình, trước một ngày thi hành án (ngày 4.12.2014) tử tù Hồ Duy Hải (sinh năm 1985) đã được Chủ tịch Nước ký quyết định tạm hoãn thi hành án, để làm rõ những tình tiết có dấu hiệu oan sai mà báo chí đề cập. Tại phiên thảo luận ngày 20.3 về án oan sai, đoàn giám sát của Quốc hội thống nhất khẳng định rằng vụ án Hồ Duy Hải có đủ căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm xem xét lại, cụ thể là mọi chứng cứ kết tội Hải giết người đều là giả, thậm chí dấu vân tay thủ phạm cũng không khớp. Thế nhưng vẫn có một áp lực kỳ lạ nào đó muốn đưa Hồ Duy Hải vào cửa tử. Ngày 1 tháng 6/2016, báo Tuổi Trẻ còn lật lại vụ án này và viết rằng “Sau 18 tháng được tạm hoãn thi hành án tử hình, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào trả lời chính thức về số phận của người tử tù này ra sao”. Luật sư Trần Hồng Phong - người bào chữa cho Hồ Duy Hải - cũng khẳng định ông đã gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án bởi nhiều tình tiết bất thường chưa được làm rõ.
Bà Nguyễn Thị Rưỡi - cô Hồ Duy Hải nói rằng: “Dư luận xôn xao rằng, Hồ Duy Hải cháu nhà tôi là chết thay cho con một quan chức hay một đại gia nào đó. Thông tin này được phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay đã nói cho tôi”. Còn Mẹ của Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan nói những tin tức mà bà biết trong suốt 7 năm đi kêu oan cho con ““Có người viết thư mật cấm các nhà báo không được viết về vụ Hồ Duy Hải.” Bà kể rằng ” Nguyên phó giám đốc Công an Tp.HCM “cũng bức xúc và nói với các nhà báo rằng ‘tử hình dễ thế sao”.




(Tổng hợp tư liệu từ Zing, VnExpress, Đời sống Pháp luật, Infonet, luatkhoa, Lao Động, Tuổi Trẻ…)

Monday, December 12, 2016

Ông Noel không đến


Mùa Giáng sinh năm nay, các bậc phụ huynh ở nhiều quốc gia nói rằng họ lo âu trước việc bọn trẻ ngày càng sớm không tin vào sự có mặt của ông già Noel, một nhân vật đã nuôi trí tưởng tượng của hàng tỷ trẻ em qua bao năm tháng. Ông Noel là nhân vật truyền kỳ vĩ đại trên thế gian này, suốt đời mang sứ mạng tạo niềm vui cho trẻ em mà không cần bất cứ một điều kiện đổi chác nào.
Một cuộc thăm dò của Yougov Poll hồi năm ngoái, cho biết trẻ em thường nhận ra sự thật đáng buồn rằng không hề có ông Noel trên đời, trễ nhất, thường từ tuổi lên 9. Thăm dò của Trung tâm nghiên cứu PEW thì còn ảm đạm hơn, nói rằng giờ đây chỉ còn có 1 trong 5 đứa trẻ (từ 8 tuổi) được hỏi là còn tin vào ông Noel. Điều buồn cười rằng phần lớn trẻ em sau 8 tuổi đểu làm bộ tin vào chuyện ông Noel để làm ba mẹ vui lòng và được nhận quà. Rất nhiều người mẹ hay người bố cũng đoán là con mình không còn tin vào chuyện có ông già Noel nữa, nhưng cả nhà cùng làm bộ như nhau, chỉ để cho vui mà thôi.
Từ nhiều năm nay, giới giáo dục và nghiên cứu tâm lý trẻ em thường khuyên rằng phụ huynh nên tìm cách nói sớm và khéo léo cho bọn trẻ biết về sự thật của chuyện ông già Noel, trễ nhất là vào lúc chúng 9 tuổi. Vì theo các nghiên cứu, đánh lừa trẻ em trong một thời gian quá lâu, đến khi chúng tự biết, sẽ có những trường hợp bị tổn thương tâm lý, ảnh hưởng đến nhiều năm sau trưởng thành.
Vậy đó, cuối cùng thì, sự thật vẫn là điều cần thiết cho một con người, dẫu sống trong sự huyễn hoặc vẫn luôn có một ánh hào quang đẹp đẽ bao phủ.
Con người vẫn luôn dễ tin vào các huyền thoại, để làm mờ đi sự tẻ nhạt hoặc khốn khó thường ngày đang vây hãm mình. Đôi khi, con người tạo nên các huyền thoại, nuôi nấng, như một cơ hội để băng bó các vết thương tinh thần. Liều thuốc giảm đau đó đôi khi để mình tự nuốt lấy, hoặc có lúc thì để một nhóm người, một quốc gia sử dụng để mê mị đám đông, chèo chống qua các cơn đau hiện thực.
Việt Nam một quốc gia Châu Á, nhưng có vẻ cũng thích sử dụng liệu pháp ông già Noel như vậy, thậm chí sử dụng không cần theo mùa.
Có thể đó là một giải pháp của một số người yêu thể thao Việt Nam. Trong những trận túc cầu quốc tế, người ta dễ dàng tìm thấy nhiều người cỗ vũ có thói quen mang theo hình của ông Võ Nguyên Giáp, ông Hồ Chí Minh… mới đây còn có cả Fidel Castro như một biểu ngữ. Những trận tranh tài thể thao đơn thuần luôn bị bóp nặn để đạt đến cực khoái bởi chủ nghĩa dân tộc và tệ sùng bái cá nhân, không khác gì những đứa trẻ luôn tin rằng hình dáng một ông Noel nào đó sẽ mang đến phép lạ đời thường. Tiếc thay, ông già Noel thì không bao giờ đến, và những người Việt như vậy, mãi mãi không thể trưởng thành – và mang vác những vết thương tâm lý suốt đời mình.
Mùa Giáng Sinh năm nay, bà Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến dạo quanh bệnh viện trên chiếc xe nai, có nói thêm một câu bất hủ “4 bác sĩ ngồi 1 giường có chịu được không?”. Tuyên bố này làm cho người ta nhớ đến 5 năm trước, khi đi nhìn quanh các bệnh viện, bà Tiến cũng nói như một du khách đến Việt Nam “Chưa thấy một quốc gia Đông Nam Á nào, kể cả ở châu Phi mà tình trạng các bệnh viện quá tải như tại Việt Nam”. Suốt 5 năm nay trong triều đại bạc nhược của bà, sự cùng quẫn của ngành y tế Việt Nam vẫn y nguyên, chỉ có đối mới trong các nhận định của bà Tiến như lớp trang trí xanh đỏ trên cây thông. Như một bà già Noel giả trang tệ hại, bà Tiến cũng ghé qua và mùa Giáng Sinh và ban phát những lời có cánh, cho một vài tờ báo tung hô như những đứa trẻ chưa đến tuổi tin vào sự thật.
Cũng như vậy, phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cưỡi xe nai đi quanh mùa Giáng Sinh, ban cho một món quà adrenalin toàn dân, về việc một mai mỗi người dân Việt sẽ có một bác sĩ riêng. Một món quà hứa hẹn như một món nợ mà truyền đời các nhà lãnh đạo Việt Nam chắc không trả nổi, nhất là trong một thế giới đầy những khốn cùng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ xếp Việt Nam đứng ở hàng 160/190 quốc gia trên thế giới về khả năng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Trong hàng triệu những đứa trẻ không muốn vào sự có mặt của một ông già Noel trên đời, chắc hẳn sẽ có rất nhiều đứa trong số hơn 1 triệu 700 ngàn trẻ em Việt Nam phải cực nhọc mưu sinh bởi đói nghèo là nguyên nhân. Đó là số liệu được ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết vào đầu mùa Giáng Sinh này, mà chỉ mới là số ước đoán vì thực tế, còn cao hơn vậy. Ông già Noel thì chỉ có thể tặng những món quà, nhưng không thể thay đổi số phận, nhất là số phận của con người sống và chết lặng lẽ ở Việt Nam, bó chiếu vác về nhà từ bệnh viện thành phố hay chìm trong cơn trong xả lũ giữa đêm khuya ở đâu đó rất xa thành thị.
Mùa Giáng sinh năm nay, tôi đọc được một câu chuyện cảm động. Một đứa trẻ 5 tuổi ở Nashville, Hoa Kỳ, bị bệnh nan y và đang chết dần, bé mơ ước được thấy ông già Noel. Một viên cựu quân nhân đã được mời đóng giả làm Santa Claus đến tặng quà cho bé. Lấy hết sức tàn, đứa bé ôm lấy ông và mở quà. "Con sẽ chết, nhưng nếu con chết, con sẽ đi đâu?". "Ở nơi con đến, sẽ có một Santa Claus tốt nhất đợi và đón con ở đó", viên cựu quân nhân trả lời. Ít phút sau, đứa bé chết trong vòng tay của ông già Noel giả trang đó.
Hóa ra, con người tạo ra những huyền thoại để làm dịu những nỗi đau của con người và nuôi những ước mơ chân thành từ trái tim của con người. Tôi đã rơi nước mắt với câu chuyện nhỏ đó, để cho hiện thực và cổ tích trộn lẫn trong trí tưởng, giữa một mùa yêu thương và hy vọng mà con người đã dịu dàng cùng nhau gìn giữ qua nhiều thế kỷ.
Và bất chợt, tôi cũng nghe văng vẳng những tuyên ngôn và hứa hẹn rất nhiều trên đất nước này, bất kể đó có là mùa Giáng sinh hay không, nhưng rồi thật dễ nhận ra, đó là những huyền thoại chưa bao giờ có hơi thở con người.

-----------------------------
Tham khảo thêm http://thepatientfactor.com/canadian-health-care-information/world-health-organizations-ranking-of-the-worlds-health-systems/