Friday, September 30, 2016

Trái tim của Quyền lực Thứ Tư


Trong nhiều ngày, tôi cố theo dõi xem báo chí sẽ viết gì về lần diễn đầu tiên của ca sĩ Khánh Ly ở Sài Gòn. Thế nhưng có một cái gì đó im lặng đến kỳ lạ sau ngày 18/9 đó – ngày mà ca sĩ Khánh Ly được phép hát ở ngay tại Sài Gòn, sau 41 năm đi xa khỏi quê hương của mình, và gần 5 năm đi loanh quanh nơi chốn cũ, ước rằng mình có thể cất lên tiếng hát nơi thành đô trong kỷ niệm.

Năm 2012, Khánh Ly từng nói với đài BBC rằng bà mơ được hát ở Việt Nam, ở Sài Gòn.
Thế nhưng thật lạ. Chỉ có một vài tờ báo điện tử xé rào viết về đêm diễn này, ít ỏi và nhạt nhẽo. Tôi cố công tìm hiểu, mới hay rằng ai đó trong Ban Tuyên giáo đã ra lệnh miệng, buộc các báo không được  nói, bình luận, mô tả… nói chung là không được viết gì có lợi cho ca sĩ Khánh Ly trong đêm diễn này .

Nhưng điều đáng ngạc nhiên, là gần hết giới báo chí Việt Nam cũng đã ngoan ngoãn tuân lệnh. Thói quen chấp nhận sự kiểm duyệt gần nửa thế kỷ - tính từ sau tháng 4-1975 - khiến cái gọi là quyền lực thứ tư của một quốc gia đã biến thành một đám học trò nhỏ, chỉ còn biết giương mắt vô thanh nhìn đời. Cũng ngay trong thời gian đó, báo giới Việt Nam rầm rộ ra vẻ phẫn nộ, viết về chuyện những người bán vé số bị phạt tiền vì lỡ bán vé số ngoại tỉnh. Thế nhưng họ không nhận ra, hay không dám nhận ra rằng, cấm nói về một buổi diễn được phép, cũng không khác gì cấm bán vé số hợp pháp trên quê hương mình.

Tôi tự hỏi, không biết bà Khánh Ly có biết chuyện này hay không. Và nếu biết, bà sẽ nghĩ gì? Năm 2015, khi được hỏi rằng nếu không được hát ở Sài Gòn, bà có buồn không – Khánh Ly từng cười, lắc đầu, nói rằng “khán giả ở mọi nơi, em à”. Quả đúng là con người ở đâu cũng vậy, văn hóa ở đâu cũng vậy. Nhưng với người cộng sản với sự thù ghét tự do thâm căn cố đế trong tim họ, thì không phải ở đâu cũng vậy.

Kiểm duyệt Khánh Ly chỉ là câu chuyện nhỏ của những điều ngang trái vẫn hiện ra trên đất nước này, tựa lời nguyền Bloody Mary trong gương – như lời nhắc rằng cuộc sống bình yên chỉ là ảo tưởng, bởi địa ngục là một điều có thật.

Ít có ai nhận ra rằng kiểm duyệt trong đời sống xã hội chủ nghĩa đã quen thuộc, đã trở thành như máu thịt. Mỗi một người làm báo đều có sẳn một mạch máu hình thắt cổ chai từ trái tim đến não. Khó mà đếm được có bao nhiêu người sống bằng nghề viết đã bật ra một ý tưởng thơ mộng hay tự do từ trái tim, nhưng đã tự bóp chết nó khi được dẫn lên đến não. Và rồi con chữ hay ý nghĩa viết ra đã bị cắt mất, tật nguyền và nhạt nhẽo như chính cuộc đời của họ.

Mới đây, trong chuyện ngư dân bị Formosa xả độc tố làm biển chết, bà Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Thị Hải Vân nói rằng không có gì phải ầm ĩ, vì ngư dân mất biển, nhưng “đi làm phu khuân vác thì tức là đã có việc làm”. Tự kiểm duyệt hiện thực, chỉ chừa lại phần tật nguyền trong suy nghĩ của mình, cũng là một nỗi đau không bờ bến đang ăn sâu trong lòng dân tộc này. Giống như ban Tuyên giáo, người đàn bà này cố che mắt mình, cố che mắt cả những người nghe bà nói, và chứng minh rằng thiếu nhân cách thì không sao, cũng vẫn có thể làm người.

Có lần, khi còn được ngồi cùng với nhạc sĩ Thanh Sơn, ông than thở rằng một bài hát của ông bị kiểm duyệt ở Sở văn hóa thông tin thành phố, chữ “phu quân” trong vần điệu một người nữ hát về chồng mình, bị bắt phải thay bằng chữ khác. “Họ nói ‘phu quân’ có thể ám chỉ đến lính VNCH”, nhạc sĩ Thanh Sơn kể. Tôi không biết về sau thì ông có phải cam lòng thay chữ ấy hay không, nhưng lúc đó, tôi chỉ có thể nói với ông rằng khi những người cộng sản kiểm duyệt, giống như họ tự đọc lời nguyền Bloody Mary, tự mở cửa địa ngục và chỉ còn nhìn thấy thế gian này bằng sự tăm tối trong trái tim họ, chứ không bằng ánh mắt con người.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc có lần kể rằng ông có bài hát về mẹ. Người mẹ đó ngồi trước biển nhớ con, mong con về. Ấy vậy mà ông từng bị chất vấn rằng có phải viết bài hát ấy có ý dành cho những người đi vượt biên hay không.

Kiểm duyệt như một con quái vật. Sự chịu đựng và cố vặn vẹo mình để có thể sống được trong thế giới kiểm duyệt, đã nuôi lớn con quái vật ấy. Hãy nhìn cách mà báo chí mô tả những tên công an khát máu đánh chết người trong đồn tạm giam, thường được mô tả bằng từ ngữ rất dè dặt và thân tình như “bị coi là làm chết người”, “bị coi là đã ép cung”… thậm chí mới đây, khi có đủ hình ảnh, âm thanh và giờ hành động của tay công an Bùi Xuân Hải ở phường 6 quận 3 đánh đập một người phụ nữ bán hàng rong ở Hồ Con Rùa, báo chí vẫn thêu hoa dệt gấm bằng cách gọi y là “người mặc đồ giống công an”.

Chẳng lẽ tất cả những người cầm bút, tất cả những con người được học tiếng Việt, tiếng Anh và sắp tới và tiếng Hán… không ai nhận ra rằng con quái vật kiểm duyệt suy nghĩ và hành động trong xã hội này đã lớn đến mức nào? Khó mà đong đo được, nhưng có thể nhìn thấy rõ nhất là con quái vật đó ăn tươi nuốt sống nhân cách và linh hồn của không ít người, khiến khi họ thể hiện đã có thể thấy ngay đó là những người Việt xã hội chủ nghĩa hèn hạ và vô liêm sỉ.

Khi một tay công an mặc thường phục, không xuất trình thẻ ngành, hành động như một tên đầu gấu ngõ chợ tấn công các phóng viên ở huyện Đông Anh, điều thấy được là toàn bộ hệ thống quyền lực thứ tư ở Việt Nam đã như hú lên những tiếng kêu đau thương cho số phận của mình, chứ không giống như sự phản ứng của một nền báo chí có đủ ý chí lẽ thường . Ngay cả khi Công an quận Tây Hồ nói ngược nói xuôi, bẻ cong cả không gian và thời gian mà không cần bất kỳ một chứng minh vật lý nào, báo chí Việt Nam cũng chỉ yếu ớt phản ứng và dè chừng. Chấp nhận kiểm duyệt thái độ sống bình thường và quen sợ hãi trong bầu không khí kiểm duyệt, đã làm nhu nhược trí thức Việt Nam và báo chí Việt Nam một cách quặn đau.

Ngày 27 tháng 9/2016, có hơn 500 người dân đi nộp đơn đòi công lý từ thiệt hại bởi nhà máy Formosa – một câu chuyện của công lý và sự thật rất đỗi bình thường trên đất nước này nhưng trong nhiều ngày liền, sự kiện lịch sử đó vẫn là một khoảng trống bao la trên các trang báo. Bạn hãy tự hỏi xem, một vài phóng viên bị đánh mà giới báo chí còn đau yếu như vậy, thì làm sao cái gọi là quyền lực thứ tư của Việt Nam có đủ sức mạnh và lòng tự trọng để nói về 500 đồng bào mình đang khắc khoải với tương lai?

Những điều bình thường và đúng với Hiến pháp Việt Nam, mà con người Việt Nam hôm nay vẫn không dám gọi đúng tên, mô tả đúng việc thì mai sau, tinh thần và nguyên khí của dân tộc trong chế độ này sẽ tật nguyền đến mức nào? Bao nhiêu con chữ của câu hỏi này, xin được đánh từng ấy tiếng vào tiếng trống Đăng Vân để kêu oan cho số phận của dân tộc này vậy.

Ngày 5/3/1969, để đòi chính quyền miền Nam Việt Nam phải bãi bỏ chính sách với kiểm duyệt xuất bản, đã có hơn 100 nhà văn, dịch thuật, biên khảo, phê bình… cùng ký tên, trong đó có phần ghi rằng “kinh nghiệm từ nhà nước Cộng sản Tiệp Khắc đã cho thấy rằng sự cấm đoán, bưng bít, không bao giờ giải quyết được một vấn đề, mà chỉ làm cho vấn để ấy trầm trọng thêm đến một mức độ tai hại nhất…” Bản đồng ký tên này, có Sơn Nam, Du Tử Lê, Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sỹ, Bình Nguyên Lộc, Duyên Anh, Cung Tiến...

Tôi đang tự hỏi – hay tự mình mơ - về một 100 nhà báo ăn lương nhà nước cùng ký tên để phản đối công an nói riêng, và chính quyền nói chung hành xử tàn bạo với nghề làm báo. Nhưng có lẽ đó chỉ là một giấc mơ để nhớ về quá khứ, nơi nhân dân bị xét là phải sống trong một chế độ đồi trụy và tay sai, nhưng chứng cứ cho thấy họ vẫn rất lành lặn về tinh thần và nhân cách.

Mọi thứ không đơn giản như bạn thấy. Hãy nhìn lại cách kiểm duyệt Khánh Ly, cách cấm bán vé số ngoại tỉnh, cách thay đổi và mài giũa chữ nghĩa để phục vụ… và cả những cách mà chúng ta quen dần giả lơ, từ chối sự thật, quen tự cắt gọt mình để nằm vừa trong sự chiếc quan tài kiểm duyệt mỗi ngày. Hãy nghĩ, cho bạn và chính con cái của bạn.

Chắc rồi có lúc bạn sẽ nhận ra, tôi hy vọng vậy. Chúng ta hay truyền thông trên đất nước này, cũng giống như những người bán vé số sợ hãi, chỉ còn quẩn quanh với niềm hy vọng nhỏ nhoi ở nơi mình đang sống, chứ không dám chạm vào hay cầm giữ một niềm hy vọng nào xa hơn lằn ranh mà người ta đã vạch sẳn cho mình. Trái tim cùa quyền lực thứ Tư thoi thóp đập trong một thân thể cường tráng. Trái tim đau bệnh, mòn mỏi bởi những lằn ranh.

Sunday, September 25, 2016

Con cái chúng ta vô tội

Tháng 9/2016, có bản tin nhỏ lọt thỏm trong thành phố vốn đã quá nhiều chuyện eo sèo. Bản tin kể về việc một nhóm thầy cô giáo của trường Bành Văn Trân, Tân Bình, tổ chức đấu tố một giáo viên vì dạy thêm ở nhà, theo lệnh của Phòng Giáo dục Quận Tân Bình, Sài Gòn.

Bản tin nhỏ, nhưng phác họa khá rõ về bộ mặt giáo dục của Việt Nam hôm nay. Theo Phòng Giáo dục Quận Tân Bình, thì họ nhận được mật báo của “phụ huynh” nào đó nên đã yêu cầu trường hành động. Cô giáo này đã bị buộc phải hủy lớp dạy luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ Cambridge – một chương trình học không dính líu gì đến sách giáo khoa của nhà trường. Cô cũng bị kỷ luật, không được xét thi đua và bị làm nhục bằng cách phải trả lại học phí cho tất cả các học sinh đã đến xin cô giúp dạy thêm.

Đây là một trong những sự kiện mới mẻ về chuyện thầy trò ở Việt Nam. Hình ảnh những người có tri thức, muốn truyền lại cho thế hệ sau theo thể thức truyền thống, bị chính quyền địa phương bị rượt đuổi, chận bắt quả tang, sao mà thật khó tả. Họ bị làm nhục và thậm chí bị phạt tiền như một loại tội đồ bởi thông tư 17 của Bộ Giáo dục Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cuộc đời như một vòng quay của bánh xe, nhưng ở đất nước này, nó là một vòng quay nghiệt ngã nhắc lại rằng sau gần nửa thế kỷ, những người trí thức lại gánh khổ nạn không khác gì những ngày sau tháng 4/1975. Kể từ khi đất nước có một Bộ Giáo dục duy nhất, miền Nam Việt Nam đã từng ngậm ngùi tiễn khoảng 50.000 tiến sĩ, giáo sư, cử nhân, nhà văn, nghệ sĩ… vào các trại tù tập trung cải tạo, trong tổng số hơn 2.500.000 người phải chịu khổ nạn ấy. Mà theo tài liệu của trang VietnamWar, giới trí thức, thầy cô giáo, giáo sư… bị xếp vào loại nguy hiểm bậc 2 và bậc 3, trong số 5 loại cần phải “cải tạo”.

Những đứa trẻ chưa đến 15 tuổi luyện thi chứng chỉ Cambridge, khi biết cô giáo của mình bị trừng phạt vì đã nỗ lực chia sớt kiến thức và kinh nghiệm cho chúng, hãy tự hỏi chúng đang nghĩ gì?

Với những gì đã diễn ra trên đất nước này, lúc trưởng thành, chúng sẽ hiểu rằng mái trường xã hội chủ nghĩa không thơ mộng như những bài văn tả tiếng ve, hay những bài hát mùa hè. Mái trường xã hội chủ nghĩa mà chúng được biết từ sau 1975, được thống nhất bằng phương thức thô lậu: học sinh bị nghi ngờ điều gì đó sẽ bị chuyển cho công an thẩm tra, giam cầm. Thầy cô nếu dám dạy thêm cho chúng theo lời nài nỉ, thì có thể bị làm nhục bởi chính các nhà sư phạm khác.

Con cái chúng ta tội tình gì mà phải chứng kiến hay chịu những điều tổn thương ấy, dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ấy?

Định kiến với dạy thêm và những biện pháp thô bỉ phi giáo dục được áp đặt cho những người thầy, người cô đang được coi là giải pháp thông minh của những người có trách nhiệm của ngành giáo dục. Hôm nay, Khổng Tử có mặt ở Việt Nam chắc cũng cùng đệ tử chạy bán sống bán chết trước tiếng tu huýt ruợt đuổi vì dám dạy thêm. Socrates sẽ ngậm miệng, không dám nói một lời minh triết nào trước đám học trò đến trước cửa ngồi chờ, vì sợ “phụ huynh” nào đó mật báo về kẻ dám dạy thêm.

Đột nhiên, cách huấn dục phi chính phủ, đời gia sư… có từ ngàn đời, hôm nay lại phải đeo một bản án do những người cộng sản đặt ra.

Thật là một điều tồi tệ, khi Bộ Giáo dục Việt Nam không nhận ra hiện trạng của đất nước hôm nay, chính là vũng lầy do họ đào bới. Học thêm, lạm dụng học thêm hay khốn khổ phải học thêm…v.v,  tất cả mọi thứ đó là hậu quả bế tắc từ những nhà kiến thiết nền giáo dục tồi. Và khi hôm nay, để chạy chữa cho hiện trạng chính họ tạo ra, Bộ Giáo dục tạo nên một mệnh lệnh mới, phủi tay và đẩy tội lỗi về phía các thầy cô. Lạ lùng thay, khi con bệnh không chịu uống thuốc, nhưng lại buộc cả xã hội phải uống thuốc thay cho nó.

Tội nghiệp cho con cái chúng ta, những đứa trẻ vô tội. Chúng được đưa vào nhà trường và trở thành vật thí nghiệm cho những đề án cao xa, của một nền giáo dục từ sau 1975 đến nay luôn rộn rịp cải cách và huy hoàng trong những thất bại. Nhiều đời Bộ trưởng giáo dục Xã hội chủ nghĩa vẫy tay ra về trong đắc thắng, bất chấp văn hóa và tri thức của nhiều thế hệ ở lại, cấu bám nhau để cố thoát khỏi bờ vực.

Trong một điều tra về nền giáo dục Việt Nam, AFP từng viết rằng “Mệt mỏi bởi những gian lận tràn lan, học vẹt vô tận và các lớp học tư tưởng Lênin bắt buộc, phụ huynh giới trung lưu của lứa học sinh trung học tại Việt Nam luôn nghĩ đến cách chạy trốn khỏi hệ thống trường học của quốc gia, để được giáo dục ở nước ngoài”.

Cũng theo tìm hiểu của AFP, đến năm 2015, mỗi năm giới phụ huynh chi hơn 1 tỉ USD để con mình được học ở các trường trung học và đại học ở nước ngoài. Nhưng đây cũng là ước mơ chung của khoảng 17 triệu học sinh và sinh viên tại Việt Nam vẫn mong được “tị nạn giáo dục” – một cách nói rất phổ biến từ hơn 5 năm nay.

Xin hãy tự đặt ra một câu hỏi, ở Việt Nam, con cái chúng ta đang học để làm gì? Học để bị thí nghiệm tinh thần duy ý chí của các quan chức kém cỏi sáng kiến nhưng giỏi vâng lệnh? Học để tạo dựng cuộc đời cho chính mình, hay học để trở thành người phục vụ cho tư duy chính trị của đảng cầm quyền? “Bốn thập kỷ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam vào năm 1975, các quan chức cộng sản vẫn chưa cải cách đầy đủ về một lĩnh vực giáo dục. Các nhà bình luận thì nói rằng các chương trình thì luôn nhằm để thúc đẩy tính Đảng, chứ không ưu tiên tạo ra một người giỏi việc”. AFP từng viết như vậy trong bài có tựa đề Vietnam’s creaking education system pushes students overseas.

Gần đây, một tài liệu nghiên cứu mang tên Nhìn lại nền giáo dục VNCH: sự tiếc nuối vô bờ bến, luôn được tái đăng trên các trang mạng. Đọc lại những gì đã làm được của nền giáo dục bị gọi là đồi trụy, lai căng đó… quả là một sự tiếc nuối vô bờ bến về giáo dục và tinh thần độc lập dân tộc. Và hơn nữa, trong giai đoạn chiến tranh khốn khó, giới nhà giáo miền Nam – luôn sống với dạy thêm – vẫn được xem là thành phần được kính trọng bậc nhất của xã hội, thậm chí một chính khách hay tướng lĩnh khi đối diện vẫn phải cúi chào.

Nền giáo dục bị hủy bỏ đó không hô khẩu hiệu phải đứng hàng đầu thế giới, không đưa trẻ em vào đồn công an, không rượt đuổi các thầy cô giáo đến tận nhà để làm nhục vì dạy thêm… nhưng vẫn tạo ra những trí thức bậc nhất, mà sau 1975, ông Võ Văn Kiệt coi đó quý như vàng, và luôn mời gọi họ hãy ở lại giúp đất nước.

Những ngày chiến tranh Nam- Bắc Việt Nam, Trung Cộng vẫn là kẻ thù đáng gờm của Việt Nam Cộng Hòa, thế nhưng ở các trường đại học, người ta vẫn nghiên cứu và học tiếng Hán một cách bình thường. Nó khác với cái cách mà Bộ Giáo dục Việt Nam hôm nay hồ hởi thúc đẩy tiếng Hán vào nhà trường như một món quà nối kết tình đảng Việt – Trung, nhân danh văn hóa.

Ngôn ngữ không có tội khi bị đưa vào giảng dạy. Và con cái chúng ta cũng không có tội để bị ép phải học ngôn ngữ nào mà chúng không muốn. Trong mối quan hệ mật thiết giữa đảng Cộng sản Việt Nam và đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếng Hán có thể trở thành chuyện quan trọng – nhưng chắc chắn không thể coi chuyện học tiếng Hán như một cách “cứu sự sụp đổ tiếng Việt”, nhưng kiểu một tay trí thức hạng bét nào đó thích la liếm theo chính sách tuyên truyền, được báo chí nhà nước tung hô.

Con cái chúng ta vô tội, nên chúng không thể trở thành khán giả vô tình cho việc hủy hoại một nền giáo dục, hay đồng lõa biến con mình thành loại cừu ngu ngốc của các thí nghiệm áp đặt. Chúng phải được quyền tự chọn lựa học thêm hay không, trong thế giới này.

Những đứa trẻ ngây thơ vô tội đó  cần tiếng nói của chúng ta – những phụ huynh – vốn đã có quá đủ kinh nghiệm về sự suy đồi trong xã hội vì im lặng.

Con cái chúng ta có nguyên bản sơ khởi là tự do và vô tội. Vậy chúng cũng cần được quyền lựa chọn học ngôn ngữ nào cho chính cuộc đời và tương lai của chúng, chứ không phải theo sự áp đặt tiến cống của ông Phùng Xuân Nhạ hay bất kỳ ai khác. Đừng quên, trong khi con cái chúng ta gồng gánh sách vở, và vứt bỏ cuộc đời bên ngoài để đáp ứng cho những chương trình cuồng điên của Bộ Giáo dục, thì có thể con cái những người như ông Nhạ đang rong chơi và thanh thản học những chương trình rất lành mạnh ở nước ngoài.

Con cái chúng ta cũng vô tội như con cái những vị ấy. Chúng cần được sống trong một xã hội không có độc tài giáo dục và nói láo về Lê Văn Tám, Phan Đình Giót, không hủy diệt tri thức và không làm tổn thương thầy cô của chúng, không bị giải đi vào đồn công an ở tuổi thiếu niên, và không bị ép để sinh ra để trở thành công cụ cho ai đó, mà có quyền chọn cho mình một cuộc đời tự do, một lối đi tự do mà chúng muốn.

 

Thursday, September 15, 2016

Từ một bài báo bị kiểm duyệt

Ngày 13.9.2016 là một ngày đáng nhớ của báo chí Việt Nam. Tin tức cho hay, trong ngày này, 13.9, ông Phạm Văn Linh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, gửi thư điện tử cho giới báo chí Việt Nam, ra lệnh rằng phải dừng phản biện, đưa tin về dự án thép của Tôn Hoa Sen. Sự kiện nóng bỏng về tương lai của một vùng sinh tồn của người Việt bị bịt chặt lại. Bất chấp mọi phản biện khoa học hay chính luận kêu gọi hãy dừng lại tội ác này, cuộc chơi của một nhóm người trên lưng dân tộc sẽ vẫn tiếp diễn, chỉ khác là từ đây sẽ được tổ chức quy mô hơn, đê tiện hơn.

Báo chí Việt Nam bị tấn công trực diện bằng một cái tát. Những ai thật sự sống với nghề làm báo, trong sự kiểm soát của Nhà nước, chắc đều cảm thấy sự nhục nhã dâng ngập tim mình.
 
Báo chí Nhà nước bị khóa cánh cửa thời cuộc. Người viết bị nhốt vào chuồng và được giới thiệu những bức tranh màu về để đời sống để viết. Và khi đó, truyền thông tự do trên mạng lưới lại có cơ hội chứng minh giá trị và đẳng cấp của mình. Kể cả việc những nhà báo ăn lương nhà nước cũng bước vào, tham gia như cách để khẳng định tư cách làm người, dù phải ẩn danh.  
 
Dưới đây là một trong những bài viết liên quan về dự án thép ở Cà Ná trong ngày 13.9, đã bị gỡ bỏ khỏi trang báo, bởi lưỡi kéo kiểm duyệt. Người viết xin tạm ẩn danh - cũng như rất nhiều nhà báo khác cũng ẩn danh - như sự khẳng định một cuộc chiến truyền thông cho sự thật còn dài, mà người tham gia thì mỗi lúc một đông hơn, từ nhiều phía.
 
Xin giới thiệu bài viết này đến những ai quan tâm về vận mệnh đất nước, về sự dối trá và thô bỉ của những kẻ có tiền, có quyền trên đất nước này.  Đọc bài viết này để nhớ một cột mốc vùng biển tươi đẹp Cà Ná, Ninh Thuận khi còn vẹn nguyên.

--------------


Tiếng kêu cứu của môi trường

Mấy ngày qua, dư luận xã hội và báo chí truyền thông đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối dự án thép công nghệ lò cao của Hoa Sen tại Cà Ná, Ninh Thuận. Nhưng không hiểu sao trong trả lời gần đây nhất, lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng vẫn khẳng định “ Nếu Hoa Sen không làm, Thép Cà ná vẫn vào quy hoạch”. Sự việc này một lần nữa cảnh báo chính phủ có nên khuyến khích công nghệ lò cao không khi bài học cá chết của Fomosa vẫn còn nhức nhối, giết chết đời sống của ngư dân suốt dải bờ biển miền Trung? 
 
Ngành thép: Công nghệ lò cao sử dụng quặng đã phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường
 
Mới đây, trong trả lời báo chí, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Đúc Luyện kim Việt Nam cho biết, Khu liên hợp gang thép của Formosa tại Vũng Áng sử dụng công nghệ lò cao. Theo phương pháp này, quặng sắt phải nghiền ra thành bột cùng với than, trộn với than coke rồi đốt trong lò cao ở nhiệt độ trên 2.000°C, tạo ra gang lỏng. Sau đó đưa gang lỏng vào lò và thổi khí oxy để đốt carbon thừa. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng phương pháp này tiêu thụ nhiều than và sinh ra xỉ, khí dioxyd carbon và nhiều bụi. Trong quặng sắt còn chứa nhiều hóa chất rất độc hại khác như chì, arsen (thạch tín), lưu huỳnh, phốt pho; cùng với đó, công đoạn luyện than coke cũng phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường ...

Trong trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 29/8/2016, GS Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng cho rằng thế giới cơ bản chỉ có Trung Quốc còn sản xuất thiết bị thép lò cao. Ông nói: “Không phải cứ sắt thép là ảnh hưởng môi trường, mà vấn đề là làm sao có công nghệ để không ảnh hưởng đến môi trường. Liên quan đến công nghệ sản xuất lò cao, theo tôi được biết cơ bản chỉ có Trung Quốc là còn sản xuất một số thiết bị lò cao. Không có nhiều nơi sản xuất nên Formosa đã mua thiết bị của Trung Quốc. Vậy vấn đề đặt ra là ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HSG, sẽ mua thiết bị ở đâu? Liệu có phải sẽ mua từ Trung Quốc. Formosa mới chỉ vận hành thử và rửa đường ống mà đã như vậy. Về sắt thép, tôi nói nghiêm túc rằng VN không nên làm sắt thép nữa. Lựa chọn sắt thép hay lựa chọn gì đó là câu chuyện của quốc gia, quan trọng nhất là mình ưu tiên sản xuất gì để tránh đi lại “vết xe” của người khác. Lựa chọn con đường người khác đã đi hàng thế kỷ qua hay đi vào công nghệ hiện đại nhất?”

Còn nhớ trước đây, Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp thép đã từng kiến nghị với các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ những dự án thép dùng công nghệ lò cao, một công nghệ đã bị lỗi thời, bị các nước tẩy chay. Nhưng không hiểu sao nó vẫn được tiếp tục Anchorkhởi công xây dựng tại Việt Nam?

Trong bức tâm thư gửi Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề gây ô nhiễm của lò cao, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc công ty Thép Việt đã khẩn thiết cảnh báo: “Các doanh nghiệp sử dụng lò cao dùng quặng có lợi thế hơn so với doanh nghiệp sử dụng lò điện. Tuy nhiên, do ô nhiễm môi trường cao hơn nên các khoản phí môi trường phụ trội đánh trên các doanh nghiệp sử dụng lò cao sẽ góp phần duy trì thế cạnh tranh cân bằng của các doanh nghiệp sử dụng 2 loại công nghệ này. Thậm chí, ở một số nước có tiêu chuẩn môi trường cao và việc kiểm soát xả thải gắt gao, doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò cao thường bị đánh thuế môi trường rất cao hoặc thậm chí bị cấm. Úc là nước điển hình có nguồn quặng sắt lớn nhất thế giới, nhưng nước này không khuyến khích các hoạt động sản xuất thép sử dụng lò cao do những tác hại môi trường quá lớn lên sự phát triển kinh tế bền vững. Các khoản thuế, phí môi trường, phí phát thải quá cao khiến cho các doanh nghiệp sử dụng lò cao không phát huy được lợi thế và do vậy không hiện diện, trong khi hoạt động khai thác quặng sắt chủ yếu được xuất khẩu – rất xa lạ với quan điểm sử dụng quặng để chế biến sâu như Việt Nam, khiến cho chính sách phát triển công nghiệp nặng trở nên quá tốn kém nhưng quan trọng là vẫn không có khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, chính sách áp thuế cao lên xuất khẩu quặng sắt rồi tiếp đó là chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt đã phá vỡ môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng trong ngành thép Việt Nam, làm bóp méo các quan hệ kinh tế và giá cả, tạo cơ hội tiêu cực và tham nhũng trong việc thực thi chức năng quản lý nhà nước cũng như việc thực thi và giám sát các quy định chính sách. Ngay khi chính sách này được áp dụng, đơn vị sản xuất thép từ quặng có qui mô lớn là công ty Hòa Phát có mức lợi nhuận rất cao và liên tục tăng trưởng trong những năm sau đó, ngay cả khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và chưa hồi phục. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn tự có của Hòa Phát đạt mức trung bình hơn 50% qua các năm. Tỉ suất lợi nhuận này được cho là cao bất thường trong ngành công nghiệp nặng. Chính sách hiện nay phát ra một tín hiệu khuyến khích cho việc đầu tư vào công nghệ lò cao lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Ngay cả chính phủ Trung Quốc đã và đang nỗ lực đóng cửa hàng loạt các lò cao luyện thép từ quặng. Trong khi đó, chính sách của Việt Nam lại vô tình khuyến khích và dành ưu đãi bất hợp lý cho doanh nghiệp theo đuổi công nghệ ô nhiễm này”.

Phải chăng tỷ suất lợi nhuận 50% mỗi năm của Hòa Phát đã khiến cho ông Vũ Hoa Sen,một “Phật tử” ăn chay… mờ mắt, sẵn sàng dẫm đạp lên dư luận và coi thường mạng sống của chính đồng loại mình suốt dải biển miền Trung?


Sunday, September 11, 2016

Chỉ xin được làm Người



Trong nhiều ngày liền, những lá thư mà tôi nhận được, đến từ nhiều nguồn và nhiều người nhưng tất thảy đều có chung một chủ đề, là kêu gọi ngăn chận việc hình thành một nhà máy cán thép ở Cà Ná, Ninh Thuận. Tôi không biết ai trong số họ - những con người xa lạ ấy, nhưng rõ là họ đang cố tìm mọi cách để đánh động đồng bào mình về một thảm họa chung sẽ đến.
Một bức thư  khác, kêu gọi ký tên phản đối thông qua trang Change.org. Trong đó, nhóm viết thư ngỏ có tên là Green Trees Vietnam hỏi một cách thống thiết rằng “bạn chưa thấy hoảng sợ hay sao?”.

Tôi đọc bức thư này trong một buổi sáng Chủ nhật, trời âm u và đầy mây mù nặng nề. Khung trời Việt Nam thật khắc khoải. Những người thốt lên lời đau đớn ấy, không khác gì những sứ giả của khải huyền miệt mài cảnh báo dấu hiệu chuỗi tận thế Ragnarok đang đến, nhưng tiếng nói của họ yếu ớt và chìm vào thời đại hỗn mang. Nhất là khi tôi đi ngang sân của Nhà Văn hóa Thanh Niên ở Sài Gòn, tiếng micro của người dẫn cuộc vui được đáp lại bằng những tràng hô rất to hoan hỉ. Quả thật, hiện thực của một dân tộc như đang chết sặc, lịm dần trong lịch trình giáo dục thờ ơ và hoan lạc xếp đặt.

Thư ngỏ cùng kêu gọi ký tên chống lại Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen chỉ cần có 1500 người tham gia. Thế nhưng các chữ ký đến chậm từng ngày, nó khác biệt làm sao, so với các cuộc vui mông muội mà hàng ngàn người nô nức ghi danh. Khác biệt với một sản phẩm thời thượng đắt tiền ra mắt mà trong tích tắc quá tải đến mức phải khóa sổ.

Tôi ký tên vào thư ngỏ này, với tư cách của một công dân còn tỉnh táo, nhưng lại quá tỉnh táo để tự vấn rằng lá thư này sẽ đến đâu, và ai sẽ đọc nó, hoặc ai sẽ thức tỉnh được phần người trong mình để nhận ra đất nước này đang chuồi dần vào lộ trình tận diệt Ragnarok bởi bọn trọc phú và quan lại điên cuồng trong dục vọng cưỡng đoạt quê hương?

Chưa bao giờ đất nước đang ở chương hồi bi kịch như lúc này. Người dân kêu gào cho sự sống và tồn vong của đất nước, còn những kẻ có quyền thì mê mị đám đông bằng những ngôn từ của rắn, rồi lặng lẽ hành động với âm mưu đã định. Một cuộc thăm dò trên báo Lao Động cho biết có đến 93% bạn đọc đã nói không với Cà Ná, nhưng cũng ngay lúc ấy, nhưng  ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, đại diện cho Bộ Công Thương vẫn nói như đinh đóng cột “Hoa Sen không làm, Thép Cà Ná vẫn vào quy hoạch”. Điều đó cho thấy dã tâm không chỉ có Tôn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ, mà dã tâm là của cả một hệ thống. Nhân dân tuyệt vọng quẫy đạp phản đối, yếu ớt như những con cá trong làn nước độc nhưng số phận thì đã định rồi. Bản đồ đánh dấu sự lắng nghe và đối thoại của chính quyền với nhân dân, đã được điểm bằng dùi cui, roi điện, lựu đạn cay… ngày càng nhiều ở Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh… Và mai đây, nếu như có mặt của nhà máy thép ở Ninh Thuận, bản đồ này có lẽ sẽ còn phong phú hơn nữa.

Vùng biển Cà Ná, Ninh Thuận chỉ cách Sài Gòn khoảng 300 cây số. Một vụ nhiễm độc từ chất thải, sẽ sớm cô lập toàn bộ vùng lương thực quan yếu của toàn miền Nam và hủy diệt sức sống của một vùng kinh tế - xã hội chỉ trong 2 tuần lễ. Việt Nam chưa bao giờ là một quốc gia đau bệnh như hôm nay. Từ Trung Quốc, các dự án và phương thức hoạt động được tuồn dần vào Việt Nam. Bauxite Tây Nguyên hay Formosa, rồi hóa chất, thực phẩm độc… hôm nay thì cú đánh hiểm hóc vào Cà Ná từ dự án hãnh tiến về luyện thép. Không thể không hình dung đến một thuyết âm mưu quan trọng về một quốc gia suy yếu dần để Trung Quốc dễ bề kiểm soát. Nhưng dĩ nhiên, muốn làm được việc đó, phải có sự tham gia của bọn trọc phú hám lợi, bọn quan lại phản bội tổ quốc và bọn thỏa hiệp.

Phản ứng với báo chí về vụ dự án thép, ông Lê Phước Vũ từng nói rằng “mày đăng tao lên báo, tao chấp mày luôn”. Cách nói của ông Vũ, nhắc người ta nhớ đến giọng điệu trịch thượng của ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường khi đòi rút thẻ nhà báo đưa tin, và gọi bằng “thằng”. Có cái gì đó thật đồng bộ giữa thế lực nhà nước và giới trọc phú khi kề cận nhau. Giai cấp của một hệ thống nằm trên pháp luật - vốn không bao giờ phải chịu trách nhiệm về sự ngu dốt, sai lầm và tội ác của mình nhưng luôn mạnh miệng để chà đạp phía nhân dân.

Ông Vũ có lý do gọi phần xã hội còn lại là “mày”, vì bởi ông tin đã dựa lưng vào khối tiền khổng lồ béo bở của dự án, như chân lý chói rực qua tim. Hơn nữa, ông lại là anh em cột chèo với thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, và luôn được ủng hộ bởi Trường ban thường trực phía Nam của ban Tuyên giáo Trung ương Đào Văn Lừng. Trong giới làm ăn, ông Vũ cũng được nhìn thấy là người “chọn phe đúng” để vận động là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Với danh thế lừng lững như vậy, rõ là ông Vũ còn gì để ngại ngùng gọi phần còn lại của Việt Nam là “mày”?

Tôi chưa bao giờ nghĩ những lời phản biện tâm huyết và những lá thư ngỏ, cùng kêu gọi ký tên phản đối nhà máy cán thép Cà Ná có thể đến được bàn làm việc của ông Lê Phước Vũ. Vì ít nhất, đọc những điều rất Việt Nam, của những trái tim Việt Nam, của nguyên khí Việt Nam, thì một phần người nào đó đã được đánh động trong ông, thay vì luôn quảng bá hảo kim quang của danh xưng một phật tử.

Tôi từng thấy hình ảnh ông Vũ mặc áo kasaya quỳ lạy nơi cửa Phật. Có không ít quan chức liên quan đến ông cũng quỳ lạy thành kính như vậy. Ông Vũ và các quan chức đó cầu nguyện gì khi mắt nhắm nghiền và tay chấp hương? Liệu có là lời cầu nguyện cho dân tộc và đất nước này, hay chỉ là nối chấp mê vào dục vọng cuồng điên của quyền lợi riêng mình, bỏ mặc nhân gian oán thán? Tôi đã nhìn rất lâu vào những bức ảnh như vậy, tần ngần với biết bao suy nghĩ không lời giải thuộc về con người.

Trong muôn ngàn sự tích hay về cuộc đời, có chuyện về một nhà tu hành bị bá tánh khinh thường, ngồi khóc ở ven rừng. Quỷ xuất hiện và thỏa thuận sẽ làm nhà tu hành khiến ai ai cũng phải kính sợ. Nhưng bù lại, khi có quyền lợi – thì thầy tu và quỷ sẽ ăn chia đủ với nhau như bạn đời. Quỷ vô hình nâng thầy tu lên vai khiến dân chúng nhìn thấy thầy tu như bay lên, nên từ đó cúng dường, vâng phục. Liên minh người-quỷ đó tồn tại cho đến một ngày bất chợt Quỷ suy yếu quyền lực, không đỡ nổi khiến thầy tu té xuống và chết.

Điều gì đã nâng ông Lê Phước Vũ bay cao, để ông nhìn vào cõi nhân gian và cười cợt, gọi mọi người bằng “mày”? Và ông Vũ nghĩ loại quyền lực vô hình nào, có thể phụng sự cho ông đến cuối cuộc đời? Nhưng dù là ai, liên minh giả Phật-giả Quỷ ấy không thể tồn tại mãi trên đời thực này, không thể nghiễm nhiên mãi dẫm lên sự khổ đau của đồng loại, trong tương lai đi tới.

Tôi không biết mình có quen ai trong số 1500 người, ký tên vào thư ngỏ chống nhà máy thép Tôn Hoa Sen sẽ hủy hoại đất mẹ Việt Nam. Tôi nghĩ về rất nhiều lời tâm tình, phản đối, chia sẻ kêu gọi mà tôi đã đọc được. Tôi cũng không biết họ là Phật tử hay là người Công giáo, có tín ngưỡng hay không. Nhưng tôi biết chắc họ đang chọn hành động cho một ý nghĩa duy nhất, là sống và làm người với lẽ phải.

Là Quỷ hay Phật ngày mai, thì vẫn còn chưa biết được. Nhưng tôi sẽ không mơ màng chọn lựa hình ảnh. Tôi chỉ cố làm người hôm nay. Làm người, để còn đứng trong và đứng cùng đồng loại ở những giây phút nguy nan này, lắng nghe nỗi đau và khát vọng của dân tộc và quê hương mình. Làm người, để phân biệt và chỉ rõ ai là kẻ giả Phật và giả Quỷ đang giày xéo, mua bán đất nước này bằng cường quyền và mỵ ngữ.


Làm người, xin hãy mơ được là người thôi, thầy tu hay ngạ quỷ khi nhận ra, cũng đã là niềm hạnh phúc của dân tộc.