Sunday, April 26, 2015

Cho những người vừa nằm xuống chiều qua

Tháng 4/1975 là cột mốc thay đổi rất nhiều thứ của người miền Nam Việt Nam. Đối với giới âm nhạc, đó cũng là một giai đoạn đầy biến động nhưng ít được ghi lại,. Những biến động đó bao gồm ly tán, tuyệt vọng, cái chết và sự nhục nhằn của kiếp người từ một chế độ này, bước sang một chế độ khác.

Rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ của miền Nam đã tìm đường di tản, vượt biên... với hy vọng rằng rồi mình sẽ lại được sống với nghiệp dĩ của mình ở đâu đó. Thật buồn, không phải ai ra đi cũng đã toại nguyện. Nhưng với nhiều người ở lại, cuộc đời đầy những bất ngờ sau đó, có thể còn buồn bã hơn nhiều.

Một trong những nhạc sĩ ở lại trong nước sau 1975 là nhạc sĩ Hoài Linh. Ông là tác giả của vô số những bài bolero có lời lẽ đẹp và sâu sắc như Sầu tím thiệp hồng, Căn nhà màu tím, Xin tròn tuổi loạn... Vốn là trung uý ở Nha cảnh sát quốc gia, nhạc sĩ Hoài Linh cũng mang nhiều nỗi lo về chuyện chế độ mới sẽ thanh trừng mình. Ngay trong những ngày di tản, ông đã dự định cùng gia đình đưa nhau xuống tàu, thế nhưng quá tiếc nuối căn nhà kỷ niệm ở đường Trương Minh Giảng, nơi ông dành dụm qua nhiều năm mới có được, nên rồi ở lại.

Ngày thường, nhạc sĩ Hoài Linh sống rất khiêm tốn và nhã nhặn với mọi người, ít phô trương. Chính vì vậy mà trong hẻm nhà, nên ai cũng thương mến. Khi những nhóm công an khu vực đầu tiên vào Sài Gòn đi điều tra nhân thân của ông Hoài Linh, hàng xóm luôn nói đỡ cho ông, không ai khai chuyện ông là trung uý cảnh sát. Chính vì vậy mà ông Hoài Linh tránh được chuyện đi tù (hay nói theo kiểu Nhà nước Việt Nam là đi học tập cải tạo).

Vốn là một nhạc sĩ thành danh, được trọng vọng, cũng như đang sung sức làm việc, bất ngờ bị đảo lộn mọi thứ, nhạc sĩ Hoài Linh mang một tâm trạng bất đắc chí cho đến tận lúc qua đời. Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh dành trọn tâm huyết của mình cho việc viết thánh nhạc, phục vụ cho nhà thờ. Gia đình cho biết ông cũng từ bỏ y định vượt biên khi thấy số người tuyệt mạng trên biển quá nhiều.

Một lần đón các em nhỏ đến nhà tập hát thánh ca cho nhà thờ, nhạc sĩ Hoài Linh bị công an khu vực đến yêu cầu chấm dứt "tụ tập đông người", ông buồn bực vô cùng nhưng cũng phải đành làm theo. Đầu năm 1995, ông trở bệnh nặng. Thật là ngẫu nhiên nhưng cũng đầy ý nghĩa, ngày 30-4-1995, nhạc sĩ Hoài Linh lìa đời, để lại một sự thương tiếc cho nhiều người miền Nam. Dĩ nhiên, báo chí của chế độ mới không hề đưa một dòng tin nào.

Do không đi học tập, nên nhạc sĩ Hoài Linh bị nhiều người cho rằng có thể ông là Việt Cộng nằm vùng, thế nhưng khi còn sống, nhạc sĩ Hoài Linh không bao giờ buồn đính chính. Một trường hợp khác tương tự là nhạc sĩ Anh Việt Thu. Dù nhạc sĩ Anh Việt Thu mất năm 1973, nhưng ông vẫn bị mang tiếng là Việt Cộng nằm vùng do có một người em đi tập kết theo cộng sản ở miền Bắc, cũng như có bạn là nhà thơ Thiên Hà, là Việt Cộng. Nhưng giờ thì điều đó có thể lý giải được: sau năm 1975, rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Anh Việt Thu cũng đã không được phép lưu hành.

Không ai có thể hình dung được đời mình và người Cộng sản từ miền Bắc đã gây ảnh hưởng như thế nào. Chẳng hạn như nhạc sĩ Lê Văn Thiện không bao giờ hình dung được người vợ không hôn thú của mình (bà Ngọc) là thành phần khủng bố ở nội đô. Bà Ngọc đem mìn hẹn giờ đến cài ở nhà hàng Liberty, đường Tự Do, để giết một vài lính Mỹ. Thế rồi bị trục trặc, chính bà cũng bị mìn giết chết tại chỗ, còn chỉ huy của bà là ông Sáu Hỏi (sau 1975 về làm quan chức ngành văn hoá ở quận 5) thì cao chạy xa bay.

Tâm trạng trầm uất và chỉ cầu mong sống để làm việc, lo cho gia đình là khuynh hướng chung của rất nhiều nhạc sĩ miền Nam đã sống trong chế độ VNCH. Nhạc sĩ Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang... tìm cách quy ẩn. Còn những nhạc sĩ như Lê Hựu Hà, Y Vân... thì được tuyển dụng làm cho các đoàn ca nhạc mới. Có miễn cưỡng nhưng chỉ còn đó là sinh lộ cuối cùng nên các ông đành nương theo mà sống. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Y Vân cũng rất buồn bã sau ngày 30-4, nhất là khi một người bạn thân đi vượt biển mất tích. Ông tâm sự với vợ con rằng giờ chỉ còn biết làm để gia đình không lâm vào cảnh đói khổ mà thôi. Và có lẽ cũng do làm việc lao lực ngày đêm, năm 1992 nhạc sĩ Y Vân qua đời. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng không khác gì. Những năm ông đi trình diễn trên sân khấu, rất nhiều khán giả gửi giấy lên yêu cầu các bài hát thời ban nhạc Phượng Hoàng của ông. Thế nhưng Lê Hựu Hà đành từ chối khéo, sau đó quay vào trong với ánh mắt buồn thăm thẳm: nhiều bài hát của ông cho đến năm 2003, tức năm ông qua đời, vẫn chưa được những người Cộng sản cho phép lưu hành trở lại.

Nhiều nhạc sĩ không thích nghi được đời sống của chế độ mới nên cũng qua đời trong nghèo khổ như nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, Trúc Phương, Thanh Bình, Châu Kỳ... Nhiều năm bị bạc đãi ở các phòng văn hoá kiểm duyệt theo chính sách thanh lọc văn hoá của chế độ cũ, hầu hết những nhạc sĩ của miền Nam Việt Nam còn bị báo chí Nhà nước ghẻ lạnh vì tuân theo các chính sách tuyên truyền của ban tuyên giáo. Trong khi đó, khác với giới biểu diễn của chế độ mới thì được tạo điều kiện để ca tụng, quảng bá lắm lúc trơ trẽn.

Khá nhiều nhạc sĩ trước 30-4 là sĩ quan phòng tâm lý chiến, là quân nhân VNCH, nên chuyện đi tù cải tạo là điều dễ hiểu. Những ngày tháng trong trại tù cải tạo Hà Tây, nhạc sĩ Vũ Thành An cũng vì đói, vì sợ đòn nên đã khuất phục, trở thành tai mắt của cán bộ quản giáo và bị anh em trong trại căm ghét. Mãi sau do quá ăn năn, ông đã xin được rửa tội đi tu theo đạo Công giáo ngay trong trại tù. Đó là lý do mà nhiều năm sau khi xuất cảnh sang Mỹ, nhạc sĩ Vũ Thành An mới quay lại với âm nhạc, dùng Đời Đá Vàng như một lời tâm tình đầy đau đớn cho cuộc sống mà ông đã trãi qua.

Nói về kết thúc trong trại tù, không thể không kể đến nhạc sĩ Minh Kỳ. Vốn là đại uý cảnh sát, nhạc sĩ Minh Kỳ cũng bị dồn vào trại cải tạo ở Biên Hoà. Bốn tháng sau ngày 30-4, khi đang ngồi ăn trong trại, cả nhóm sĩ quan của ông bị ai đó ném lựu đạn vào giữa, khiến thương vong mười mấy người. Nhạc sĩ Minh Kỳ hấp hối, đẫm máu, chỉ có lời với anh em trong trại là nhắn giùm với gia đình rằng ông đã chết, rồi sau đó xuôi tay. Không rõ mộ của ông sau này có cải táng hay không, vì khi chôn cất sơ sài, cán bộ quản giáo chỉ để bảng ghi tên người chết là Vĩnh Mỹ, tức tên thật của ông, chứ không hề biết đó là một nhạc sĩ tài hoa hàng đầu của nước Việt.

30-4-1975 là một cột mốc của nhiều điều, mà có lẽ nhiều thập niên nữa người Việt mới biết tường tận sự thật. Và có lẽ cũng nhiều năm nữa, những trang sử nhạc còn phải ghi chú thêm những điều chưa kể hết, mà vốn nỗi buồn gần nửa thế kỷ vẫn phủ tối cả quê hương.

(Ảnh từ trái quá: Nhạc sĩ Hoài Linh & Minh Kỳ)

Tuesday, April 21, 2015

Trộm chó và mại dâm

image



Một người bạn nước ngoài nói với tôi rằng họ kinh hãi, không thể nào tin nổi ở Việt Nam giờ đây lại có những hình ảnh con người bị đánh đập đến chết và cột cùng với xác chó, kéo lê trên đường, để phô diễn chiến tích.

Nạn trộm chó đang hoành hành ở miền Bắc Việt Nam, và để đáp lại những vụ trộm đó, những cuộc vây đánh đến chết kẻ trộm vẫn diễn ra. Nhiều vụ còn được ghi hình lại như một sự kiện thích thú. Phần lớn công an địa phương cũng bối rối, vì rõ ràng họ không được hướng dẫn đối phó với các tình huống bạo lực đám đông như vậy, mà chính họ ắt cũng cảm thấy lo sợ khi đứng giữa đám đông rầm rập đó.

Hãy thử đặt một câu hỏi, chủ nhân của con chó đã tham gia đánh kẻ trộm được bao nhiêu lần vì tức giận, và đám đông tham gia đó đã tiếp sức cho cuộc đánh đập với lý lẽ gì, nếu không phải là một khoái cảm bạo lực của đám đông đang bùng lên khi tìm thấy một đối tượng để trút vào. Đó hoàn toàn không là câu chuyện của lẽ phải, mà là một hiện tượng xã hội mới phát sinh.

Có lẽ từ đây về sau, cái chết có lẽ là điều phải nhẩm trước cho bất kỳ một kẻ trộm (chó) nào, chứ không phải là luật pháp, ngay trên một quốc gia có đội quân công an hùng hậu, mà luật lệ thì luôn được khẳng định thực thi. Nếu từ đây, một dạng thiết chế đời sống công xã như vậy hình thành ở các miền khác, các địa phương khác, ắt sẽ còn có nhiều hơn những cái chết cho nhiều trường hợp khác nhau.

Việc bắt giữ và tự mình xét xử bằng bạo lực, nhắc con người văn minh nhớ đến IS, những kẻ khủng bố dùng cái chết để răn đe, nhớ đến những vụ hành hình, nhớ đến chuyện đấu tố trong thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau 1945. Thậm chí, những hình ảnh này còn gợi nhớ đến giai đoạn xã hội được kiểm soát bằng ủy ban quân quản, chẳng hạn như sau tháng 4/1975, những thanh niên Sài Gòn bất phục bị bộ đội Bắc Việt bắt giữ và tuyên án, xử bắn ngay trung tâm thành phố. Xã hội không còn chiến tranh nhưng đang như tái hiện mọi thứ: giai đoạn mà những tập thể đi cùng với bạo lực, chỉ xử chứ không xét.

Trong Phật giáo, việc niệm Phật là một loại gieo mầm thiện. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ vẫn để lại di huấn cho các đệ tử của ông rằng, ngay cả không thuộc kinh kệ, việc niệm Phật thay vào cũng là một cách để ấp ủ thiện tính trong lòng mình, và “niệm” này tác động đến những hành xử đời thường. Xã hội bất an và có nhiều ức chế không thể giải tỏa trong đám đông, cũng là một cách gieo niệm sự dữ trong con người. Và chỉ cần một cơ hội, nạn nhân của họ sẽ là bất cứ ai, nhân danh lẽ phải. Nhưng cũng cần nên nhớ rằng đám đông không tự mình hung dữ, con người không tự dưng ác, mà phải xét rằng xã hội mà họ đang sống, đã điều khiển, đã gieo trồng loại mầm gì lên họ.

Việc đám đông người Việt hôm nay dã man, không chỉ riêng ở trộm chó, mà ngay các câu chuyện thường ngày trên báo chí cũng cho thấy. Đặc biệt gần đây là chuyện rêu rao người mẫu bán dâm.

Thông tin người mẫu bán dâm rộ lên, ngay sau khi có vài người đẹp đột nhiên mất tích. Đợi lúc dân chúng xôn xao thì ngành công an mới hô lên rằng chính họ đã bắt, từ những nghi vấn mại dâm. Thật mỉa mai khi rất ít tờ báo nào đặt vấn đề vì sao công an lại có thể lạm quyền bắt cóc nhiều ngày các nghi phạm trong một vụ hình sự cấp thấp như vậy, mà chỉ tập trung vào chuyện mô tả vẻ đẹp của những người mẫu và số tiền được cho là giá mua dâm.

Màu sắc hèn hạ cũng không khác gì những người đánh kẻ trộm chó, người dân không chất vấn ngành công an địa phương đã làm ăn như thế nào mà vùng đất lại rộ trộm cướp, báo chí gọi là tử tế của Nhà nước chỉ lo vật và xé toang mọi thứ che thân của những người mẫu đang bị cho là bán dâm. Đó cũng là một loại bạo lực không khác gì đánh kẻ trộm chó, nhưng bạo lực khi nhân danh luật pháp và thông tin để hành hạ phụ nử, thì còn bệnh hoạn và ghê tởm hơn.

Giá tiền và những gương mặt đáng thương của các cô gái này được trưng bày trên báo chí, không chỉ mô tả một xã hội Việt Nam đang đạo đức giả đến đáng phỉ nhổ, mà còn cho thấy lẫn khuất trong đó sự thèm khát số tiền và cuộc đời của các nạn nhân, từ biên tập biên cho đến phóng viên của các tờ báo. Xã hội Việt Nam đang tồn tại một căn bệnh chì thích tra tấn những ai không có khả năng chống lại mình, không khác đám đông hồ hởi và điên dại đấm đạp vào người trộm chó.

Cũng rất ngạc nhiên, nhiều vụ quan chức nhà nước đi mua dâm, khi bị bắt đều được che đậy, còn những cô gái làm việc bằng tấm thân của mình thì bị làm nhục, bị lãnh án. Vụ gã hiệu trưởng Sầm Đức Xương ở Hà Giang, năm 2010, cầm nắm cả một danh sách quan chức mua dâm, thì được giấu nhẹm, chỉ có các cô gái thì phải chịu búa rìu là kẻ phạm tội. Cũng chẳng ngạc nhiên gì, khi năm 2009, tờ China Daily thăm dò, cho biết dân chúng ở Trung Cộng coi trọng gái điếm còn hơn cá giới quan chức. Đơn giản vì gái điếm có làm gì, họ chỉ vay trả bằng cuộc đời của chính họ, còn bọn quan chức thì bòn rút và hút máu nhân dân. Dĩ nhiên, ai cũng biết mô hình xã hội Trung Cộng và Việt Nam cũng không khác gì mấy.

Lẽ thường, nghi phạm chỉ trở thành tội phạm từ sau lời tuyên bố của tòa án. Nhưng chỉ cần công an bắt giữ, điều tra, đột nhiên tất cả những cô gái bị nghi ngờ là mại dâm đều ngay lập tức trở thành tội phạm, bị báo chí bị treo lên, bị lột sạch và cười cợt, chỉ trích. Ở một quốc gia văn minh khác, những tờ báo hối hả dục vọng đó luôn bị khởi kiện vì sự khốn nạn, nhưng ở Việt Nam, mọi thứ được coi như là ánh sáng của công lý. Con người có thế chết ngay lập tức từ đòn đánh của chủ chó, nhưng cũng có thể chết lần mòn từ những vết cắn xé – như trường hợp các cô gái nói trên.

Bạo lực nuôi dưỡng bạo lực, gieo niệm sự dữ vào con người một cách im lặng. Hôm nay đánh chết một con người vì chó, nhưng cũng có thể ngày mai, có thể một đám đông nào đó lại giết chết một con người từ bản năng động vật được nuôi dưỡng và thả rông trong chính mình. Cách thức và mỗi sự việc có thể khác nhau, nhưng cái ác chỉ có một bộ mặt, dù chó hay là người.

Wednesday, April 15, 2015

Thương quá đời nhau

image

Mùa dưa đầu năm nay gặp lũ bất ngờ, nhiều gia đình ở Quảng Nam trắng tay. Nhiều nơi, những thanh niên không quen biết, những nhóm người vô danh đột nhiên xuất hiện và kêu gọi mọi người chia nhau, mua dưa như một cách để cứu nạn cho nông dân. Cuộc sống vẫn còn giới thiệu những điều quý báu và lay động lòng người trước nghịch cảnh lắm khi chán chê.

Nhìn hình ảnh những người già miền Trung ôm lấy trái dưa, ngậm ngùi, rồi lại thấy những thanh niên căng biểu ngữ kêu gọi mua dưa giúp mà thương. Giá dưa lại xuống tận 1000 đồng / kg thì cả ruộng dưa nếu có bán được, e cũng chưa đủ đóng được tiền vay của ngân hàng. Mẹ già nhìn đăm đăm vào ruộng, mênh mông buồn.

Hóa ra, người Việt vẫn gượng lại để giữ một tấm lòng cho nhau, dù có lúc ai nấy đều lặng người trước cảnh giành giật miếng ăn, cướp giật của rơi của người gặp nạn. Nơi Hà Nội từng có ngày hoa bị giành giật, tranh nhau và giẫm đạp, thì cũng có một ngày người người hẹn nhau để giữ lấy từng gốc cây. Sài Gòn sầm uất chốn vui chơi ngày đêm, nhưng không thiếu quán ăn miễn phí, hay giá chỉ 2000 đồng cho kẻ khó hơn mình.

Từ khoảng 5-7 năm nay, phong trào kêu gọi mua hàng hóa để giúp người dân nghèo bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Lúc thì dưa, lúc thì hoa tết, có lúc là rau cải. Người Việt có thói quen mua không để dùng, mà mua như một động thái chia sẻ sinh tồn. Như anh bạn của tôi vẫn hay mua một vài tờ vé số, nhưng chẳng bao giờ dò. Mục đích mua chỉ là gửi một niềm lạc quan cho người khó khăn hơn mình. Thương nhau mới làm được như vậy, vì đôi khi cần dè sẻn, mua một ly nước cho mình, nhiều người vẫn phân vân.

Cách đây không lâu, một người quen trên facebook tranh luận với tôi, nói rằng trên thực tế, người Việt không thể có tình đồng bào. Nếu dựa trên khoa học, câu chuyện trăm trứng nở trăm con và nguồn gốc chuẩn tộc thuần túy, thì rõ ràng “đồng bào” là điều dường như vô nghĩa. Nhưng “đồng bào” – tên gọi và ý nghĩa duy nhất mà người Việt có trên thế giới đã là một sự kết dính tinh thần, thương lấy đời nhau qua năm tháng. Tình thương của người Việt ít màng lý luận, vì vậy ít ai chất vấn vì sao lịch sử người Việt hay song hành với huyền thoại chứ không là ghi chép cụ thể. Dù biết nỏ thần của An Dương Vương hay phép lạ của Thánh Gióng là điều bất khả. Và có lẽ trong thói quen của tình thương đó, người dân Việt cũng ít khi nào tự hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tận lực như thế nào để chuyện mất mùa hay trì trệ trong nông nghiệp là chuyện thường ngày bấp bênh trên đất nước này, khác với các quốc Châu Á hôm nay?

Trong ghi chép của người xưa, người Việt mình hay cười. Bài “Xét tật mình” của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đăng trên Đông Dương Tạp Chí năm 1913, nói người Việt “Hay cũng hì, mà dở cũng hì, quấy cũng hì, phải cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang. Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền”. Quả thật người Việt rất hiền. Nghe tin đường xa lộ mới xây bị hư hại, lộ cốt bằng tre, bằng ván ép… rồi im lặng và cười. Nghe vaccine chữa bệnh trẻ con chích vào chết ngay, lại vẫn được hô hào sử dụng, cũng đành im lặng và cười. Nghe lấp sông Đồng Nai sẽ đẩy hàng triệu người vào nghèo khó, im lặng thở dài và cười. Nghe khai thác bauxite thất bại nợ nần đến con cháu đời sau, cũng chỉ im lặng rồi cười.

Người Việt thương mình, như thương một giai cấp của mình trước chuyện thế gian quá tầm tay. Mua hàng cho dân nghèo, góp tiền, góp của cho từ thiện là những chuyện mà đâu đâu trên đất Việt cũng thấy. Tiền người Việt giúp nhau, nhiều không kể xiết – không có một ngân quỹ chính sách nào có thể sánh bằng. Thương nhau, giúp nhau từ nhà ra ngõ, từ trăm cây số đến hàng ngàn dặm. Tiền kiều hối gửi về Việt Nam năm ngoái hơn 11 tỷ USD, bằng giấc mơ phát triển của cả nhiều quốc gia trên thế giới.

Người Việt thương nhau mà thở dài, nhiều người nói mình có ra sức giúp cả đời cũng không xuể. Các quan chức bị tố tham nhũng, chỉ nhận chức chưa quá nửa đời người đã dinh thự đền đài, con cháu trở thành một giai cấp khác, thụ hưởng trên nụ cười khan và tiếng thở dài của dân mình. Người Việt thương nhau, ngó tượng đài trăm tỷ, vinh danh cho bộ mặt một chính quyền mà hàng ngàn gia đình vẫn còn đói ăn trong ngày khánh thành. Người Việt nhìn ra biển, thấy cá mà thương ngư dân trong trùng vây khốn khó, dở khóc dở cười.

Nhỉn ngó mọi nơi, và im lặng trước những điều quá tầm tay. Người Việt quay về với nhau như một giai cấp cam chịu rồi cười. Thôi thì chỉ còn biết chia nhau khốn khó. Cười, thương quá đời nhau.

Wednesday, April 1, 2015

Số 0 đến vô tận

image



Rất nhiều bản tin hôm nay, đặc biệt là tin giải trí, hay nói tới tiền. Dù là mang tính chê bai hay ca ngợi, tiền đang được đề cập đến như một khát vọng cháy bỏng khác thường trong xã hội cộng sản hôm nay.

Ông bạn giáo viên lâu ngày gặp lại, nói được đôi câu đã bắt sang thời sự. “Sao chuyện như vầy mà người ta có thể viết thành một bài báo?”, ông bạn chìa cho tôi xem một bản tin về người đẹp nào đó đang xách chiếc túi hàng hiệu trị giá vài ngàn USD, nội dung của một bài viết dài, cũng chỉ quanh chuyện chiếc túi đắt tiền và người đẹp sang trọng đó đã bỏ tiền mua.

Đâu chỉ có riêng bài báo đó, mà dường như cả thế giới thông tin hôm nay đang nóng bỏng nhìn ngó xem ai có nhà tiền tỷ, ai là đại gia, ai đang thất thế, ai dám tung tiền gây chú ý… những câu chuyện vô bổ, không biết để làm gì đang dẫy đầy trên báo chí, truyền hình. Cả xã hội đang phản ánh một điều đáng lo ngại trong việc kính ngưỡng sự giàu có, bất kỳ ai giàu có đều có thể thành trung tâm thông tin, thậm chí trở thành nhân vật lên bìa của một tờ báo, mà nội dung thì nhạt nhẽo.

Có tiền, những kẻ vô danh được tung hô một cách kệch cỡm. Không tiền, thì bị đẩy xuống tận bùn sâu. Mới đây chẳng bao lâu, một người kinh doanh trẻ tuổi được báo chí ca ngợi, giới thiệu dàn xe hơi đắt tiền nhất nhì Việt Nam của anh, thế rồi lúc anh kinh doanh khó khăn, lại thấy những tin tức diễu cợt không mục đích, nói rằng anh đang cùng cực vì ngồi trên món nợ 3000 tỷ.

Mới đây, một “đại gia” đeo vàng xuất hiện ở Hà Nội – cũng là đề tài báo chí giật lên, xôn xao, rồi có hẳn một tờ báo đi tận Tuyên Quang để tìm ra nhà của người giàu có đó. Bài viết giới thiệu, kính cẩn gọi nhân vật đó, nhắc đi nhắc lại là “vị đại gia”. Ngay trong từng câu chữ, người ta cũng đọc được sự thèm khát của tác giả trước cảnh giàu có một người khác.

Những điều đó, có thể chỉ là chuyện lá cải tầm phào, không đáng quan tâm, nhưng giờ đây, khi đầy dẫy trên các trang tin tức, cũng là một góc nhìn cho thấy một xu thế mê đắm vật chất. Một hiện trạng tôn thờ đồng tiền và chạy theo nó một cách vô nghĩa. Nó phản ánh cháu giết bà chỉ vì cần vài chục ngàn chơi game, con giết mẹ chỉ vì nuôi ăn tốn kém. Thậm chí với thần thánh cũng chỉ cần nhét tiền lên bàn thờ, vào tượng là sẽ mua được may mắn, phước đức.

Thế nhưng cần một lời nói đúng, chia sẻ cho hoàn cảnh của 90.000 công nhân của công ty PouYuen đang đình công thì thật khó tìm lúc này. 90.000 con người lao động chân chính hốt hoảng khi nghe tin chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi, đã kinh hoàng ngừng việc và yêu cầu công bằng cho họ. Thế nhưng chuyện 90.000 con người tranh đấu với yêu cầu đúng của mình, vẫn bị chìm ngập và cố tình cho lãng quên trong những dòng thông tin hưởng thụ và giải trí xa rời thực tế.

Theo chính sách mới, điều luật 60 BHXH, người lao động khi không được nhận tiền bảo hiểm, ngoại trừ khi họ đến tuổi hưu. Giả như một công ty thuê công nhân chỉ trong 5 năm, sau đó đóng cửa. Những công nhân này phải đợi đến tuổi hưu của họ mới được nhận tiền BHXH, dù lúc đó, có thể họ chỉ mới 21 tuổi. Mức bảo hiểm xã hội ấy dù chỉ ở mức 300-400 ngàn, lại phải đợi đến tuổi hưu mới được nhận.

Những câu chuyện về tiền quẩn quanh đất nước này. Và như có liên đới với nhau. Khi chính sách mới về không phát tiền BHXH cho người lao động như thường lệ, cũng là lúc mà người dân nhận được tin Quỷ bảo hiểm xã hội tự nhiên không cánh mà bay 1.052 tỷ đồng. Phiên họp của quốc hội năm ngoái công bố như vậy. Thậm chí sau khi thanh tra, hồ sơ gốc chỉ thấy có 700 tỉ, còn bao nhiêu biệt dạng. Đã vậy, chỉ tính đến năm 2013, báo cáo về chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội lại cao ngất trời: 3.718 tỉ đồng.

Tiền thật lạ. Tiền quyến rũ dân đen phạm pháp, hấp dẫn quan chức tham nhũng, và tiền cũng tự biến mất, mà không lời hồi đáp. Tiền có thể biến một người công nhân cùng khổ thành người tranh đấu, và biến những công chức thành kẻ cắp.

Tiền thật thú vị, nhất là trong một quốc gia tuyên bố mình là ngọn cờ của giai cấp vô sản. Dường ít có ai phải chịu trách nhiệm về nó trong hệ thống công quyền. Chỉ có nhân dân kiệt sức đóng thuế là người ngẫm nghĩ về nó, và giống như ông bạn thầy giáo của tôi, chìa tờ báo ra, với câu hỏi không bao giờ được giải đáp, như một số 0 đi vào vô tận.

-------------------------
(Tựa đề, lấy từ tên sách của Arthur Koestler)

Wednesday, March 25, 2015

Nhầm




"Nhầm" có thể trở thành một trong những từ ngữ của năm của người Việt. "Nhầm" xứng đáng trở thành tên gọi trong một chương lịch sử hiện đại của người Việt.

Chưa bao giờ người ta chứng kiến việc "nhầm" trở nên thịnh hành ở Việt Nam như bây giờ. Trong vụ hàng ngàn cây xanh bị chặt đổ đầy những câu hỏi, như một vụ án công chưa có câu trả lời, người chịu trách nhiệm chính thức là ai, thì lại có tin hàng loạt cán bộ cấp be bé bị kiểm điểm. Có nhầm không? Người Việt đủ thông minh để hiểu rằng thủ phạm chính vẫn ở đâu đó trong các dinh thự cao rộng, vụ kiểm điểm chỉ là một thủ pháp để xoa dịu sự bất bình của đám đông.

Lãnh đạo Hà Nội nói rằng họ rút kinh nghiệm về việc chặt cây mà không tham khảo ý kiến dân chúng, nhưng bên cạnh những lời trần tình đó, người ta chứng kiến các sinh viên đi dán thông báo bảo vệ cây xanh bị công an, dân phòng sách nhiễu, những chiếc nơ thiện chí về môi trường bị xé đi một cách lạnh lùng và chủ tâm. Một cuộc tuần hành hoà bình kêu gọi bảo vệ cây xanh cũng vây trong không khí căng thẳng như chống bạo động. Ai đang nhầm ở đây, về một sự kiện có sinh hoạt dân sự bình thường bị đè nặng bởi các áp lực mơ hồ nào đó?

Những cây xà cừ cao khoẻ bị nhầm là cây chết, hư hỏng. Gỗ vàng tâm bị nhầm là gỗ mỡ... Chúng ta đang nhầm rất nhiều thứ, bao gồm nhầm cả việc đặt để những người vào vị trí quản lý nhưng lại không có khả năng, luôn nhầm những chuyện quan trọng, gây hoạ cho không biết bao nhiêu người về sau.

Rất nhiều quan chức khi mắc sai lầm, vẫn hay nói rằng đám đông, xã hội đã hiểu nhầm ý của họ. Điều đáng nói là những vị quan chức đó vẫn luôn đúng đắn, chỉ có một xã hội hiểu nhầm. Có khi trí tuệ của đám đông lên đến 80 triệu người, bằng cả một dân tộc, vẫn bị coi là hiểu "nhầm". Dân gian không vô cớ mà hình thành rất nhiều các thành ngữ mỉa mai như "lỗi của thằng đánh máy", "bán vé số thu nhập rất cao", "coi pháo hoa để quên nghèo"... tất cả cũng chỉ xuất phát từ việc "nhầm" của miệng nhà quan. Họ nhầm về nhân dân, và nhân dân đều nhầm về họ.

Trong một truyện cười về nhà triết học Đức F. W. Nietzsche (1844-1900), hậu thế nói rằng khi ông sắp mất, báo chí đứng đầy quanh giường và hỏi rằng toàn bộ học thuật phức tạp của ông, đã có truyền nhân nào kế tục không. Nietzsche thều thào chỉ tay về một cậu học trò thẹn thùng đứng ở gần cửa. "Nó. Chính nó..." Tất cả mọi phóng viên đều ùa sang cậu học trò đó. Duy nhất một nhà báo không chen chân kịp, đành ở lại và hỏi Nietzsche rằng "Cậu ấy thế nào?". Nietzsche thì thào trong hơi thở cuối "Nó là người hiểu sai mọi thứ".

Ai trên đất Việt hôm nay, đã quá vội vã, khiến "nhầm" về mọi thứ? 

Không chỉ Hà Nội, mà ngay ở Sài Gòn, những hàng cây cao lớn, sống hớn nửa thế kỷ đang bị im lặng hạ gục trong các công viên, trên các con đường ở Gò Vấp. Những hàng cây cũng khoẻ mạnh và không tội tình gì. Cuộc sống đang bị triệt hạ âm thầm mà chỉ có số đông dân chúng là nạn nhân. Điều đó thì không thể nhầm.

Con sông Đồng Nai cũng đang chuẩn bị lấp để cho một dự án làm ra tiền nào đó. Hôm nay lấp được một phần, sẽ không lâu lấp đến những phần khác. Hàng triệu con người sống với sông nước ở miền Nam sẽ chịu tai hoạ từ những kẻ phác thảo các dự án từ phòng máy lạnh và nước đóng chai. Tương lai khốn khó và tài nguyên tự nhiên của đất nước cạn đi là một điều không thể "nhầm", thậm chí khi một ngày nào đó những người trách nhiệm vẫn phủi tay, hô to rằng mình "nhầm".

Tất cả mọi chuyển động đều làm ra tiền. Đánh dấu một cái cây cần chặt thôi đã có tiền hơn nửa triệu bạc, thì không lý gì tiền tỷ không được làm ra từ các câu chuyện mà dân chúng phẫn nộ.

Trên đất nước Phượng hoàng hôm nay, quá nhiều những kẻ may túi ba gang đeo bám và trục lợi cho bản thân mình. Phượng hoàng rồi cũng phải kiệt sức trong sự tử tế của mình và không thể nào còn cất cánh nổi. Ngay trong cái chết của nó, ắt cũng kéo theo không biết bao nhiêu kẻ ôm bám cùng những chiếc túi khổng lồ mà luôn "nhầm" là may chỉ với ba gang.

Tuesday, March 17, 2015

Nghe lá rơi dưới chân mình



Mùa hè năm ngoái, chúng tôi chứng kiến quán cà phê vỉa hè mất đi hàng cây xanh quyến rũ của nó. Tàng cây to lớn từ sân của một công ty nhô cao, vượt qua hàng rào, trở thành một khoảng râm mát và xanh tươi của ngã tư đường. Chúng tôi vẫn hay hẹn nhau ngồi dưới bóng cây và gọi một ly cà phê – không còn quan trọng là ngon hay dở - chỉ là để được ngắm một con đường vỉa hè dài, đầy hoa nắng, gió nhè nhẹ thổi. 

 

Phải sống ở Sài Gòn qua những ngày mưa dầm, những ngày nắng điên cuồng… mới thấy tàng cây ấy thú vị đến dường nào trong một đô thị được nuôi lớn bằng sự lãng mạn, mà lãng mạn ấy thì nay cứ bị tước mất một cách chầm chậm và hiển nhiên. 

 

Ngày cái cây xanh to lớn không còn, giống như một người đàn bà đẹp bị bí mật mang đi, không gian đó nhanh chóng vô vị. Mảng tưng và giao lộ quen thuộc đột nhiên thay đổi. Mọi thứ sáng rực và trơ trẽn như một căn nhà đột nhiên không còn nóc nữa, giống như một bức tranh được lấp vội bằng một tông màu chói lòa của tay chép tranh ngu xuẩn và tham lam. 

 

Những ly cà phê đột ngột tệ hơn bao giờ hết. Những câu chuyện không còn sự hấp dẫn, người có ghé thì cũng vội vã ra đi. Ngã tư trở về với xác thịt bê-tông vô nghĩa của mình. Người chủ quán buồn buồn nói rằng ngày trước, khi anh còn làm bảo vệ cho chính công ty nhà nước đó, anh đã ước rằng khi nghỉ hưu thì sẽ mượn tàng cây này làm chốn mưu sinh thanh bình cho mình. Nhưng giờ thì thanh bình ấy, anh cũng không định được. Những người khách thưa dần. Người chủ quán có khi đọc hết 3 tờ báo vẫn không ai gọi. Nắng đay nghiến vào từng phiến gạch nứt nẻ nơi vỉa hè. Lá không còn rơi bên chân ghế.

 

Không ai trong chúng tôi quay lại đó. Mặc dù thỉnh thoảng đi ngang, tôi vẫn nhìn vào nơi có tàng cây cũ, ngẫm nghĩ về một hiện tại không thể tiếp diễn. Thành phố đã có rất nhiều những hàng cây xanh bị hạ xuống. Ai biết được mỗi cái cây đã gắn với một mảnh đời nào, gắn kết ra sao với sự thơ mộng nào của thành phố này? Không biết bao lâu thì người Việt mới có thể trồng nên những bóng cây cao lớn cho mình như vậy, nhưng để hạ xuống thì chỉ trong khoảnh khắc. Như tiễn một người quen ra nghĩa trang và hầu như không quay lại vì cảm giác mất mát, chúng tôi cũng không quay lại quán cà phê đó, chỉ để không phải vẩn vơ nghĩ đến một hàng cây.

 

Và chắc tôi nghĩ mình sẽ không quay lại Hà Nội, nơi thành phố ngập những bóng cây. Người Hà Nội chắc cũng như tôi, sẽ không quen khi thấy những tầng cao xanh của mình bị dỡ bỏ. Những tầng cây cao và xanh giống như những thư viện thời gian bí ẩn, lưu giữ linh hồn của một Hà Nội thì thời tàu điện leng keng đến những tiếng rao hàng sớm tối. Chắc sẽ không còn nhiều thơ hay nhạc từ chính trái tim của những người nghệ sĩ không còn bóng râm đó. Ngày mà bản tin về chuyện Hà Nội sẽ chặt bỏ đi 6.700 cây xanh của thành phố, có ai nghe hoa lá xôn xao run rẩy?

 

Dĩ nhiên, những người chủ trương hạ cây có những lý lẽ của mình. Nhưng nên nhớ rằng, mọi lý lẽ được vận dụng chỉ để thuận lợi cho một mục đích thực dụng đơn giản và mới mẻ, đều phải mang đến một sự hy sinh. Trong ngôi nhà tưởng chừng sẽ mãi bình yên, một ngày nào đó, đứa con với nhu cầu hiện đại sẽ cảm thấy bà mẹ quê mùa của mình là vật cản, thì đưa vào viện dưỡng lão hay cho về quê, cũng là một giải pháp buộc phải hy sinh.

 

Hà Nội có 29.600 cây xanh, với 6.700 cây bị chặt đi đồng nghĩa với bao nhiêu không gian tươi mát bị mất đi? Bao nhiêu hơi thở trong lành không còn? Bao nhiêu trái tim sẽ khô cằn với nơi sinh sống của mình?

 

Tháng 5 này, trời chắc sẽ nắng gắt lắm. Tháng 5 này thuế bảo vệ môi trường sẽ bắt đầu đánh vào tiền xăng thêm 3.000 đồng/lít. Bao nhiêu tiền bảo vệ môi trường từ xăng có thể trả lại một lá phổi trong lành của Hà Nội, hay của Sài Gòn trong những ngày cây xanh gục ngã? Và bao nhiêu tiền nữa để những người luôn muốn chặt bỏ đi cây xanh hiểu rằng tiền không bao giờ mua được linh hồn đô thị, tiền không thể cứu chuộc được quá khứ, hay chính họ?

 

Đôi khi phải ngồi ở vỉa hè, nhìn chiếc lá rơi cạnh chân mình, mới hiểu. 

 

 

------------------------------------

Tham khảo thêm:

http://thoiviet.com.vn/xa-hoi/ha-noi-quyet-chat-ha-6700-cay-xanh-tren-pho-c1a391161.html

 

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/tu-15-tang-thue-bao-ve-moi-truong-doi-voi-xang-len-3000-donglit-1042776.htm

Tuesday, March 10, 2015

Nơi chốn của cái “Nhất”

1

Năm năm nữa, bắt đầu từ hôm nay, tượng phật Thích Ca cao nhất thế giới sẽ được xây tại An Giang, Việt Nam. Tượng dự trù cao 81m, được khắc vào núi Sam. Theo lời mô tả trong lễ khởi công ngày 5/3, thì đây “là cơ hội để ngành du lịch tỉnh An Giang thu hút nhiều hơn nữa du khách gần xa, đưa thành phố Châu Đốc phát triển xứng tầm với tiềm năng và trở thành trung tâm thương mại, du lịch quan trọng của tỉnh An Giang”.

Năm năm nữa, không chỉ là tượng Phật Thích Ca, mà có thể sẽ có rất nhiều cái nhất nữa được ra đời trên đất nước này, cùng với danh sách những cái “nhất” mà người dân Việt Nam vẫn nghe thấy hàng ngày. Từ tô hủ tíu lớn nhất, cái bánh chưng lớn nhất… cho đến tháp truyền hình cao nhất, tượng đài lớn nhất… Người Việt đang bước vào thời kỳ chạy đua niềm vui với cái “nhất”. Cuộc đời trần tục hầm hập phả hơi nóng của cái “nhất” từ miếng ăn đến tận linh hồn tín ngưỡng, khiến mọi thứ phải là “nhất”: người ta chen nhau giật lá bùa, giật cái ấn, cướp cái phết… đến vật vã để mình được là “nhất”.

Người Việt dường như đang muốn mình đứng nhất bằng mọi giá, thậm chí tay đôi vay trả với thần thánh. Các chùa chiền, miếu đình được dân chúng rãi tiền, nhét vào tay tượng Phật… như một cách đút lót cho tương lai. Lối ứng xử không khác nào dành cho các loại tà thần, ôn hoàng, dịch lệ. Sự mê đắm hưởng thụ nhưng thiếu văn hóa tâm linh nền tảng khiến con người tin rằng chỉ cần sòng phẳng là có thể được cái “nhất” mà mình muốn. Cũng như chạy đến ngã tư, lỡ vượt đèn đỏ, nhét vội tiền cho anh Cảnh sát giao thông thì đường sẽ lại thênh thang. Thật mâu thuẫn khi mưu cầu một điều an lành cho chính bản thân mình, người Việt lại có thể chen nhau, đánh, giành giật với mọi thủ đoạn. Trong cõi hỗn loạn đó, có khi được coi là lễ hội phục dựng, cũng có khi là đời thường, mà những “nhất” được hình thành. Một loại “nhất” mà bất kỳ ai có lòng với đất nước mình cũng phải lắc đầu ngao ngán.

Nhưng liệu, người Việt đã đủ lớn để kiểm soát những cái nhất của mình chưa? Tô hủ tíu lớn nhất ở Đồng Tháp, có thể cho 1000 người ăn, được trình diễn vào đầu tháng 2 này đã phải đổ bỏ hơn 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo và 600 lít nước súp… vì không ăn được nữa trong một thời gian ngắn. Chính quyền ở Đồng Tháp chắc chắn không vui vì công trình kỷ lục nhất của họ không hoàn hảo. Nhưng hàng ngàn gia đình thiếu đói trong cùng thời điểm đó ở Ninh Thuận, Quảng Bình, Phú Yên, Thanh Hóa và Gia Lai… chắc không vui gấp bội trước những điều mỉa mai như vậy.

Không bao lâu, Tháp truyền hình cao nhất thế giới của Việt Nam sẽ được xây dựng. Lại có thêm một cái “nhất” nữa trong bảng thành tích của Việt Nam. Nhưng chúng ta sẽ làm gì với tháp cao ngất nhất đó khi nhiều chương trình truyền hình vẫn nằm dưới mức mong đợi của khán giả? Táo quân 2015 chỉ là một chương trình hài hước giải trí nhưng bị gây khó dễ đến mức râm ran tin đồn sẽ không còn phát tiết mục này nữa, do nhạy cảm với những vấn đề thời sự mà vốn ai ai cũng biết – những thứ nhầy nhụa thực tế ở tầng trên nhưng lại không được phép nhắc đến.

Sân bay lớn nhất ở Long Thành đang được dồn dập đòi xây, thay cho sân bay Tân Sơn Nhất chưa xài hết công suất. Liệu cái “nhất” được dựng nên, có thay đổi được nạn máy bay trễ giờ, bay-đáp nhầm sân bay, báo cấp cứu vô lý hoặc nạn sách nhiễu vòi tiền, rạch hành lý của hành khách không?

Tượng đài Mẹ anh hùng 411 tỷ đồng ở Quảng Nam cũng thuộc hàng “nhất”, nhưng trong tỷ lệ nghèo đói cả Việt Nam, Quảng Nam cũng chiếm đến 11% của cả nước. Ông Lê Văn Lai, Đại biểu quốc hội của Quảng Nam, từng mô tả rằng “Bóng ma nghèo đói vẫn ám ảnh. Những hộ cận nghèo rất dễ tái nghèo, chỉ gặp một rủi ro nhỏ trong cuộc sống, sau một giấc ngủ sáng dậy là có thể nghèo lại ngay”. Ôi, cuộc sống thật mong manh, chỉ có tượng đài là bền vững.

Chưa bao giờ Việt Nam xuất hiện nhiều chùa, nhiều tượng to lớn đến ngộp như hôm nay. Những quốc gia ngưỡng Phật như Đài Loan, Hồng Kông… trong tương lai có thể sẽ không có nhiều danh lam, đại tượng… như Việt Nam – không nhiều cái “nhất” như Việt Nam. Rồi bên cạnh những cái nhất về vật chất, nghịch cảnh về sư, ni… trên đất nước này luôn là điều khiến người ta phải trầm ngâm: liệu cứ Chùa lớn đã là có linh Phật? Trong bộ truyện Gantz của tác giả Hiroya Oku, những đền đài và tượng Phật chính là chỗ cư ngụ của quỷ. “Trong rỗng không vô nghĩa mà con người dựng nên, đó là nơi chốn tốt lành của chúng ta”, Ngạ quỷ trong Gantz vui mừng nói vậy.

 

 

---------------------------------------------------------------

Tham khảo thêm:


http://dantri.com.vn/xa-hoi/khoi-cong-xay-tuong-phat-thich-ca-cao-nhat-the-gioi-tren-suon-nui-sam-1040823.htm­­­­­­

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/to-hu-tieu-do-di-va-can-benh-thich-ky-luc-3232918/

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20140424/bong-ma-doi-ngheo-con-lon-von/604188.html

http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/hanh-khach-lai-to-bi-rach-hanh-ly-o-san-bay-tan-son-nhat-a75827.html

 Chú thích ảnh:

This is a strange monument complex in one of Russian parks. In the center of this complex there are different monuments from the Soviet Era stand, collected from different communist party locations and around it there is a stone storage for hundreds of stone heads looking from out of the bars at those communist art examples with despair. The Stalin statue by the way is already without a nose.
(http://englishrussia.com/2007/11/04/soviet-era-victims-museum/)

Wednesday, March 4, 2015

Bia miệng

Anh Huy ở Cà Mau đã tìm cách tránh mặt, sau khi gửi cho cơ quan báo chí một lô nước Soya Number 1 của công ty Tân Hiệp Phát không thể dùng được nữa, dù còn vài tháng nữa mới hết hạn. Theo mô tả, các chai nước này lợn cợn, lại có dị vật nổi bên trong chai. Đặc biệt, các chai này đều nguyên vẹn, hoàn toàn không có “dấu hiệu can thiệp từ bên ngoài”.

Theo mô tả của người tiếp xúc với anh Huy, thì do quá sợ bị công ty nước giải khát lừng danh xứ Việt này gài bẫy cho đi tù, nên anh Huy đã từ chối nhận quà xin lỗi của họ. Đầu tháng hai năm 2015 này, một người dân ở Tiền Giang, anh Võ Văn Minh, cũng đã bị gài bẫy, cáo buộc tội tống tiền và chờ án tù cũng vì không may tìm thấy một chai nước có dị vật của công ty Tân Hiệp Phát. Nhân sự kiện này, người ta cũng tìm thấy không ít người vì tố cáo các sản phẩm tồi của Tân Hiệp Phát mà vướng vòng lao lý, thậm chí trong nhiều năm.

Mà cũng lạ nhỉ, mới cuối tháng trước, đoàn thanh tra của tỉnh Bình Dương, đã dứt khoát tuyên bố mọi sản phẩm của công ty này là hoàn hảo. Cuộc thanh tra phối hợp giữa Bộ, Cục, Sở này đã hoàn thành dễ dàng đến ngỡ ngàng trong một ngày, đối với hệ thống hơn 15 loại sản phẩm, công suất hơn 1 tỷ lít/năm. Bất chấp dư luận phản ứng, thì đại diện phía thanh tra còn vặc lại rằng “truy cái gì?”

Anh Huy ở Cà Mau chắc chắn đã rất lo sợ việc mình trở thành một nạn nhân mới của Tân Hiệp Phát nên không nhận quà, không thương lượng, mà chỉ mong làm rõ về sản phẩm có nguy hại đến sức khỏe con người hay không. Nhưng ai mà không sợ, khi chứng cứ thì rành rành nhưng mọi thứ vẫn lạ lùng chống lại con người. Một nhà đại tư bản không chỉ có tiền kiểm soát truyền thông, mà thậm chí biến luật pháp thành pháo đài của mình. Trên trang wikipedia, đánh tên công ty Tân Hiệp Phát, người ta nhìn thấy nhanh nhất là cả một chuỗi thông tin nhiều năm liền những người tố cáo sản phẩm của hệ thống này đều trở thành khốn khổ.

Thời đại nào, đến một công ty sản xuất giải khát mà nhiều quyền lực giăng giăng mà dân chúng phải kinh hãi? Thời đại nào mà đoàn thanh tra khi công bố kết luận, những ai nghe thấy đều mỉm cười im lặng. Nụ cười buồn rầu như không thể thay đổi được nữa như chứng kiến lẽ tự nhiên ở đời, như con ruồi vẫn đậu vào miệng chai, mà không còn ai quan tâm đến chuyện vẫy tay đuổi đi nữa.

Chuyện xưa kể rằng Khổng Tử đi cùng học trò ngang một ngọn núi, thấy người đàn bà đang khóc tang ma. Ông mở lời hỏi thăm, được người đàn bà ấy nói rằng cha, chồng và con của bà đều bị hổ vồ chết nơi này. Khổng Tử bèn hỏi rằng biết nơi nguy hiểm vậy sao không đi nơi khác mà ở, người đàn bà nói là thân nhân chết thì buồn khổ, nhưng ở đây vẫn tốt hơn vì không có quan lại. Anh Huy sống ở thời nào nào đến khiếu nại một sản phẩm cũng sợ, đến mức Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) kêu anh làm đơn kiện, anh cũng không dám gặp?

Có lẽ lương tâm anh Huy thúc đẩy anh phải lên tiếng khi thấy đồng bào mình gặp nguy khốn, nhưng anh cũng đã đủ dè dặt và kinh nghiệm thấy rằng phận dân đen không là gì trong buổi nhiễu nhương này, mặc cho hổ vồ có lẽ là cách chọn hơn là đối diện công quyền.

Cũng từ chuyện khiếu nại sản phẩm này, chợt nhớ đến chuyện vỉa hè sớm mai. Dân chúng nói cười với nhau đỡ buồn. Có một làng nọ trồng rau chuyên phun thuốc phát triển thực vật để mau có hàng bán kiếm lời. Nhà anh A trong làng cũng làm như vậy, nhưng quyết chỉ bán ra chợ, không ăn rau mình trồng nhằm để sống sót. Bất ngờ thay, ngày nọ anh A lăn đùng ra chết, bác sĩ khám nói là ngộ độc. Cả xóm thấy lạ nên kéo nhau vào anh A để tìm hiểu, thì thấy ngổn ngang vỏ chai nước ngọt của một công ty hàng đầu trong nước. Hoá ra anh chết không vì thuốc phun cho rau, mà chết vì hoá chất trong nước đóng chai.

Chỉ là chuyện dân gian, tầm phào nghe cho vui rồi qua, nhưng thiết nghĩ, không phải vô cớ mà nó sinh ra. Chuyện dân gian thì chắc không cần thanh tra đúng sai, nhưng chắc chắn rằng sẽ là bia miệng muôn đời.
-------------------
Tham khảo thêm:
http://www.giaoducvietnam.vn/Kinh-te/So-di-tu-khach-to-sua-dau-nanh-Soya-Number-1-khong-dam-gap-Tan-Hiep-Phat-post155976.gd

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/thanh-tra-tan-hiep-phat-mot-ngay-dat-het-thi-truy-cai-gi/713538.html

Thursday, February 26, 2015

Hung hãn và hèn nhát


Xã hội Việt Nam đang rất sôi động. Một sức sống như đang bừng bừng trẻ trung với bề ngoài của nó. Hào nhoáng. Chộn rộn. Mỗi ngày, khi trên báo chí hay truyền hình ra một đề bài lá cải, khắp nơi nhộn nhịp tham gia bàn tán như các cô cậu học sinh mùa thi được thử thách tâm sinh lý. Ở các ngã tư đường, các quán nhậu, các diễn đàn facebook... đâu đâu người ta cũng bàn tán về đề thời sự mới nhất. Một ông già hom hem ngấu nghiến hôn cô gái trẻ được báo chí ghi lại, lập tức trở thành quốc sự. Nền dân chủ lý sự tầm ruồng phất cao ngọn cờ ngời sáng với 2 phe: một bên thì đập ngực đem tất cả vốn liếng đạo đức để chỉ trích, một bên thì chống nạnh, viện dẫn mọi tư duy cấp tiến để nói rằng đó là chuyện bình thường, thậm chí đáng yêu.

Quốc sự về nụ hôn của một cụ già trỗi máu xuân tình dĩ nhiên không quên bàn về nước dãi của cụ còn để lại trên gò má căng phính lông tơ của cô gái trẻ. Quốc sự về hình ảnh đó cũng có đủ mọi lời bảo vệ bằng cách đưa ảnh một vị lãnh tụ khác cũng hay hôn phụ nữ, đàn ông và trẻ con như một truyền thống đáng noi theo. Dĩ nhiên, khi đã tranh luận, mỗi phe càng nói càng hăng. Ngôn ngữ mỗi lúc một mạnh bạo, thậm chí rất hung hãn.

Sự hung hãn của một nền dân chủ xã hội đầy sôi động đó cũng được mô tả bằng bản tin hơn 5000 người Việt đánh nhau đến nhập viện trong một mùa xuân cầu mong yên lành. Sự hung hãn được chỉ định bằng việc giết heo trong lễ hội theo lối yêu trảm (chém ngang lưng) du nhập từ đời nhà Tần phương Bắc sang Việt Nam. Sự hung hãn được xác nhận như phần cần thiết của lễ hội mua thần bán thánh, từ miệng của một quan chức cấp cao, phó chủ tịch Uỷ ban Nhân Dân Sóc Sơn “Lễ hội không tổ chức phát lộc cho người dân nên ai muốn có phải cướp. Xô xát là bình thường”. Loại câu nói đủ biết hạng người nào, tri thức kiểu gì đang đứng trên đầu dân chúng.

Một khi chuyện hôn hít của một ông già, chuyện đánh nhau vỡ đầu giành lộc, chuyện hung hãn đánh nhau giữa đường rồi cùng nhập viện... nay đã trở thành quốc sự hạng một, chiếm lĩnh mọi sự quan tâm của quốc dân, thì đó cũng là một chỉ dấu của con đường đến mạt vận. 

Người Việt hôm nay dường như rất hung hãn trong những chuyện tự do ngôn luận dân chủ tầm ruồng, bỏ quên hay tránh né về những điều nguy ngập khác, rằng Trung Cộng đã dựng xong sân bay, pháo đài... trên biển, có thể đánh chiếm Sài Gòn trong 24 giờ. Thế nhưng tướng quân đội Việt Nam thì tâm tư tha thiết kêu gọi dân chúng không nên ghét bỏ kẻ đang lăm lăm cướp - giết tổ quốc mình. 

Người Việt hôm nay dường như rất hung hãn trong cách dùng mọi học thuật để chứng minh đối phương đồi bại hay tiến bộ trong những điều chỉ đáng liếc qua và lãng quên, nhưng giỏi cười qua loa với chuyện các dự án bauxite thua lỗ trầm trọng mà vẫn phải tiếp tục, ngày đêm giao nộp sang biên giới,  giỏi giả lơ khi giá xăng được tuyên hô sẽ lên giá không cần lý do, khi dầu thế giới chỉ có giá 50 USD/ thùng - mức giá thấp nhất từ trước đến nay.

Người Việt hôm nay dường như đủ hung hãn chém con heo ra nhiều mảnh, reo hò và tắm máu như thời các bộ lạc dã man, nhưng hèn nhát câm miệng không dám bàn về tài sản các quan chức tham nhũng đang đục ruỗng tổ quốc mình. Người ta im lặng hèn nhát khi nghe những kẻ như Trần Văn Truyền chỉ bị kỷ luật giơ cao đánh khẽ, còn những người tố cáo cái ác như ông Kim Quốc Hoa, báo Người Cao Tuổi, đang lao đao giữa trùng vây vô lại.

Cái cần phải hung hãn, thì người ta đang chọn cách hèn nhát. Cái cần phải hèn đi thì người ta ồ ạt xông lên: hung hãn giành giật thức ăn buffet, hung hãn trói đánh kẻ trộm chó, hung hãn phán xét, nguyền rủa chung quanh như bản thân mình là hiện thân của ngọn cờ đầu nhân nghĩa.

Hung hãn và hèn nhát, hai mặt đối lập của số đông trong một nước, cho thấy sự sục sôi của chủ nghĩa duy lợi đang lây lan như một loại virus trọng bệnh, mà tỷ lệ nghịch với làn sóng đó, là sức sống còn cho một quốc gia.






Tham khảo thêm:

http://www.webtretho.com/forum/f26/co-nen-chi-trich-hinh-anh-gs-vu-khieu-thom-ma-hoa-hau-ky-duyen-2016578/

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hon-5-000-nguoi-nhap-vien-vi-danh-nhau-trong-tet-3149577.html

Wednesday, February 18, 2015

Xuân đến, xuân đi

21f9d79c256fd02aad57f43d66bdde97ada1285ed7e7f957ca8898ca09729279

Sáng 30, đường phố Sài Gòn vắng đi, nhưng không vắng hẳn. Điều dễ thấy của xuân năm nay là những người buôn bán nghèo khó vẫn tiếp tục cầm cự bày hàng. Vỉa hè nhiều nơi vẫn còn chen nhau kiếm thêm chút, dành dụm cho một năm mới dự báo không nhiều niềm vui.

Cứ từng năm qua, mùa xuân như cứ nhạt dần. Đường phố không còn không khí của những ngày Tết mà ai ai cũng muốn đóng cửa nghỉ ngơi, ai ai cũng muốn dừng tay lại để hít thở với chút cảm giác khó tả của trái tim mình khi bước qua thêm một lằn ranh nữa ở cõi sinh tồn thế gian. Quán café trước ngõ vẫn đông khách như một ngày rất thường. Quán bánh ướt vỉa hè trong ngỏ hẻm cũng không nghĩ sáng 30 Tết. Quán không có có bàn, những người đến ăn phải ngồi ghế đẩu, cầm đĩa ăn cho đến hết. Những người ăn vội vàng cho qua một bữa sáng, cho qua một ngày 30 mà trước đây Sài Gòn đón chờ như một điều thiêng liêng và hân hoan. Ông cụ ngồi ăn bánh quay sang bắt chuyện. “Tết đến làm gì, chán quá”. Một cụ khác cười, góp thêm “Tui thấy 5 năm Tết một lần cũng được”.

Nghĩ mà buồn cười. Tết 5 năm một lần, cứ như là nhiệm kỳ của một ông quan thiên nhiên. Xuân đến như không mang đủ ngọt ngào của cuộc đời, đến mức dân chúng chán chê muốn xua đi, chỉ mong gặp và hy vọng vào một mùa xuân của nhiệm kỳ mới. Cuộc đời cũng vậy, bạn đã có bao giờ ngao ngán và chờ một điều mới mẻ nào đó từ con người, quan quyền trên đất nước này chưa?

Tết ở Sài Gòn, đặc biệt ở quận 5, lâu rồi không còn nghe tiếng “tùng cheng”. Chắc cũng phải hơn 5 năm, những chiếc xe ba gác bán đầu lân, đầu ông địa cho trẻ con không còn dạo khắp phố phường với tiếng “tùng cheng” quen thuộc như tín hiệu rộn ràng của một mùa xuân. Ngay trong thủ phủ của người Hoa Chợ Lớn, một vài cửa hàng có treo đầu lân, đầu ông địa cũng xao xác buồn. Ngày xưa trẻ con ai cũng muốn phải có cho được một món để chơi mùa Tết, nay thì cầm món ấy đi giữa phố, chẳng khác nào kẻ lập dị. Mới năm trước, lúc trước giờ giao thừa vẫn hay có các nhóm nhỏ Lân Sư Rồng đi dạo phố phường, vào nhà xin lì xì. Nay thì cũng vắng bặt. Tiền dành dụm chưa đầy, dân chúng ai còn dám mạnh dạn mở hầu bao. Ấy vậy mà báo Nhà nước vẫn có tờ đăng tin Việt Nam là quốc gia có name có mark về hạnh phúc và dễ kiếm tiền.

Trên chuyến xe taxi đi vào trung tâm Sài Gòn di chuyển chậm vì đông người trong những ngày cận Tết, người tài xế giết thời giờ bằng cách kể chuyện đó đây, trong đó ấn tượng nhất là chuyện bạn của anh làm công nhân mà năm nay không đủ tiền về quê. “Rất nhiều người gặp khó khăn như vậy nên ở lại buôn bán thời vụ, làm thêm để kiếm chút tiền sau Tết về”, anh tài xế kể. Trong bài hát Xuân này con không về của Trịnh Lâm Ngân, ca sĩ Duy Khánh có hát rằng “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang…”, giờ thì về quê đâu chỉ có dùng sức mà lo được cho mái tranh của mẹ. Tháng 12/2014, các bản tin của báo Nhà nước còn đưa tin rằng nhiều tỉnh nghèo quay quắt chờ 8.000 tấn gạo cứu đói mùa Tết này. Không có tiền thì vô phương. Pháo bông giao thừa cũng chẳng để làm chi, rồi chỉ biết ngó lầu đài của các quan chức như ông tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền mà thở dài. Trong những nhịp đồng hồ cuối cùng của năm âm lịch, báo đưa tin những người bán hoa, cây kiểng ở trung tâm Sài Gòn, ở bến Bình Đông rơi nước mắt vì ế ẩm, không bán được hàng. Đọc mà lòng tự dưng buồn khôn tả.

1a079a18e895f6aa2d4603016b6295f9608dbee2956af349dc6763e1d7631c54

Tết năm nay không thấy bà tổ trưởng nhắc treo cờ, anh công an khu vực đi kiểm tra. Có lẽ mệt mỏi vì nhiều năm nhắc hoài mà dân chúng vẫn lơ là, nên chính quyền địa phương ở nhiều nơi theo lệnh mà xuất tiền trồng cờ dọc theo cầu, dọc theo lề đường. Khắp nơi rực rỡ một màu đỏ như ngày đánh thắng một mùa xuân. Cờ được chất đống trên các xe tải nhỏ và được các bạn trẻ dân phòng vội vã ghé vào, cắm dựng, vuốt… rồi chạy đi chỗ khác làm cho kịp chỉ tiêu. Cờ ngay ngắn và rõ ràng như phân lô đất trong thành phố.

Ào một cái đã đến giờ cúng giao thừa. Mùa xuân vội đến và vội đi vậy sao? Mùa xuân nhạt nhòa và không còn rõ ràng trong sự chờ đón của con người. Những bài nhạc xuân viết mới ồn ào, như cố xô người nghe vào một không gian chộn rộn lố bịch đầy cố gắng. Khắp nơi ầm ầm như một chiến dịch đuổi bắt xuân. Mọi thứ đó, như chỉ để nhắc nhau về một điều gì đó gọi là mùa xuân nhưng dường như đã vàng phai biết mấy, hoặc đã không còn tìm thấy nữa.

Nửa thế kỷ hát tình ca

Miền Nam, với những ai yêu dòng nhạc bolero, chắc không thể quên được cái tên Đài Phương Trang, người nhạc sĩ lừnh danh với những ca khúc lừng danh như Hai Mùa Noel, Hoa Mười Giờ, Trái Tim Sỏi Đá, Người Yêu Cô Đơn... Mùa xuân 2015 này cũng là dịp đánh dấu nửa thế kỷ của một người viết những bản tình ca Sài Gòn, viết lại những những câu chuyện đô thị đã là ký ức và nỗi niềm của nhiều thế hệ.


Người dạy sử viết nhạc tình

Khi có dịp đối diện với nhạc sĩ Đài Phương Trang, nhiều khán giả đã bất ngờ với dáng vẻ hiền lành và nhỏ nhẹ của ông. Những bài hát tình yêu lâm ly bi đát của ông đã từng làm rung động các thế hệ yêu âm nhạc ở thập niên 60, 70... dường như không có chút gì gần gũi với phong cách của ông, khiến ai cũng dễ dàng ngỡ ngàng thốt lên "Ô, tác giả của Người Yêu Cô Đơn đây sao?"

Không giống với các nhạc sĩ cùng thời khi chọn âm nhạc như là một sự nghiệp chính, chàng thanh niên Phạm Văn Tứ (tên thật của nhạc sĩ Đài Phương Trang) lại chọn nghề thầy giáo môn học Việt Sử là sự nghiệp chính. Âm nhạc đến với anh thanh niên mê sáng tác này như một sở thích không có chủ đích, nhưng rồi lại bất ngờ làm nên tên tuổi của anh từ giữa thập niên 60.

Thời còn đi dạy học ở trường trung học cộng đồng Phú Định, (quận 6 ngày nay), ít ai tin rằng người thầy giáo có vẻ rất nghiêm nghị ấy, lại là tác giả của những bài hát mà các cô nữ sinh trong trường cứ chuyền tay nhau chép lời vài nghêu ngao trong sân trường. Ai hỏi thăm, ông chỉ cười cười, không nhận cũng không chối đó là những tác phẩm của mình. Thậm chí, khi biết chính ông là tác giả của các bài hát tình yêu thịnh hành đó, các đồng nghiệp cũng phải trợn mắt vì không tin nổi. Trong suy nghĩ của nhiều người, nghệ sĩ phải là một dạng người phong lưu hoặc rất giang hồ, chứ đâu lại có kiểu như nhạc sĩ Đài Phương Trang vậy.

Âm nhạc đến với nhạc sĩ Đài Phương Trang thật tình cờ. Thời thiếu niên lúc đang học lớp 5, ông luôn bị hấp dẫn bởi một người hàng xóm hay chơi đàn mandolin. Mỗi khi đi làm về, người đàn ông đó lại ngồi trước cửa nhà dạo lên những khúc nhạc réo rắt mà có lúc nghe sao thật vui tươi, nhưng có lúc nghe sao lại buồn bã lạ kỳ. Tâm hồn của một thiếu niên mới lớn bị lay động bởi những điều xao xuyến khó tả. Chú Mành, tên của người đàn ông đó, cũng chú ý đến thằng bé hàng xóm hay đứng ở cửa nhìn vào, im lặng nghe hàng giờ không biết chán. Rồi một ngày, chú Mành dừng tay đàn, ngoắc thằng nhỏ vô, hỏi là có thích học madolin không, thì "về xin tiền má để mua một cây đờn, qua đây chú dạy". Điều đơn sơ đó đã dắt tay nhạc sĩ Đài Phương Trang vào lâu đài của bolero, từ đó về sau. Cho tới giờ này, khi thấy ai ôm cây đàn nhỏ dây đôi đó, những ký ức đẹp nhất lại hiện về trong trí nhớ của ông.

Đến năm học đệ thất, tức đến lớp 6 hiện nay, nhạc sĩ Đài Phương Trang chuyển trường, và lại may mắn được học với thầy dạy nhạc Trần Anh Tuấn, vốn cũng đang là thầy giáo của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ. Âm nhạc với nhạc sĩ Đài Phương Trang lại được dịp nâng cao và chuyên nghiệp hơn. Ít lâu sau, ông lại học thêm guitar. Đến năm lớp 11, nhạc sĩ Đài Phương Trang đã là một người chơi đàn hấp dẫn trong lớp, khiến nhiều bạn trai cùng lứa phải ghen tị, còn các bạn gái thì đi ngang phải liếc mắt nhìn.



Vang danh trong bóng tối

Năm 1966 là năm tác phẩm của nhạc sĩ Đài Phương Trang ra mắt, nhưng thực tế, ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1965. Nhắc lại, nhạc sĩ Đài Phương Trang vẫn còn nhớ kỷ niệm này, khi ông ra mắt tác phẩm viết chung với nhạc sĩ Anh Thy (tác giả ca khúc Hoa Biển) có tên là Bốn Màu Áo, bút danh khởi đầu là Thanh Viên.

Do không quen biết ai trong giới sản xuất, những sáng tác của ông cứ nằm trong ngăn kéo. Người khán giả thưởng thức đầu tiên các bài hát đó không ai khác hơn là người vợ trẻ của ông. Rồi khi được cả gia đình khuyến khích, nhạc sĩ Đài Phương Trang tìm cách tiếp cận các hãng đĩa, mong giới thiệu các tác phẩm của mình. Chọn một ngày nghỉ, ông cưỡi chiếc mobylette của mình đi đến trung tâm Sài Gòn, kêu ly cà phê ở quán Kim Sơn ở đường Lê Lợi để quan sát tình hình. Ngày đó, quán Kim Sơn rất nổi tiếng vì là nơi hẹn gặp nhau của danh nhân tài tử văn nghệ như nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang, Anh Việt Thu, Thanh Sơn... hơn nữa, cạnh đó lại có nhà phát hành nhạc bản Minh Phát rất có tiếng.

Tính tình rụt rè, nên nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng không biết bắt đầu từ đâu. May sao, khi nhìn thấy nhạc sĩ Anh Thy ngồi đối diện đang soạn lại những bài nhạc, nhạc sĩ Đài Phương Trang bèn lân la hỏi thăm. Cuộc trò chuyện ngẫu nhiên đó, dẫn đến một tình bạn giữa hai người nhạc sĩ, khiến một ngày nọ, nhạc sĩ Anh Thy bèn đề nghị hai người cùng viết chung một bài hát làm kỷ niệm. Vậy là bài hát Bốn Màu Áo ra đời từ đó với ca sĩ Carol Kim là người trình bày đầu tiên. Ngay lập tức, tác phẩm này được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang kể rằng đó là một kỷ niệm không thể quên. Khi cầm 10 ngàn đồng phát hành băng nhạc và nhạc bản đầu tiên, ông chưa thể tin nổi rằng mình làm ra nhiều tiền như vậy. Thời đó, 12 ngàn đồng đã có thể mua được chiếc Honda đỏ đời đầu, một gia sản với nghề thầy giáo trung học. Khi cầm trọn số tiền làm ra về đưa cho vợ, ông được vợ "thưởng" lại bằng cách trích số tiền đó để mua cho ông chiếc đồng hồ đeo tay Seiko-5, tức kiểu đồng hồ thời trang thịnh hành nhất của thập niên 60.

Giới nhạc sĩ bắt đầu tò mò về tay tác giả mới có những bài hát ăn khách, không thấy mặt mũi đâu nhưng lại có nhiều bút danh như Thanh Viên, Phạm Vũ Anh Tứ... Cũng nhờ việc tò mò đi tìm hiểu mà nhạc sĩ Ngọc Sơn (sinh năm 1934, tác giả Nét Son Buồn, Nếu Mình Còn Yêu Nhau...) mới phát hiện ra Đài Phương Trang, chính là người cháu họ của mình, cũng đang bước vào con đường âm nhạc.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang kể rằng những khi ngồi ở hàng quán, nghe người ta bàn tán hoặc đi trên đường nghe phố phường vang lên những bài hát của mình, ông chỉ biết thầm mỉm cười. Niềm hạnh phúc âm thầm được công chúng đón nhận là điều khích lệ ông đi qua hơn nửa đời người với âm nhạc. Do bản tính dè dặt, đôi khi dù được hỏi, nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng ít khoe khoang đó là những thành công của mình. Đó cũng là lý do vì sao, về sau này, người ta tìm thấy Đài Phương Trang có nhiều bài hát viết chung với nhạc sĩ Ngọc Sơn (như các bài hát Có Những Đêm Buồn, Màu Tím Pensée, Hoa Mười Giờ...) thật ra ông giao phó các bài hát của mình cho người chú lo việc ra ngoài thương thảo với các nhà sản xuất và in ấn rồi để tên chung, còn mình thì chỉ đi dạy rồi về nhà cắm cúi sáng tác.

Năm 1968, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông gặp mặt chàng nhạc sĩ trẻ Đài Phương Trang, ông hết sức ngạc nhiên vì đã nghe rất nhiều bài trên đài phát thanh mà nay mới biết mặt. Lúc đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đang là giám đốc của nhiều hãng đĩa nhạc và nhà in như Continental, Ngày Xanh, Sơn Ca... nên đã lập tức mời Đài Phương Trang cùng cộng tác gửi bài. Tác phẩm đầu tiên nổi lên từ sự cộng tác này, như bài Biết Ai Tâm Sự với tiếng hát ca sĩ Kim Loan, ngay lập tức cũng trở thành hit trên thị trường và đài phát thanh lúc bấy giờ.

Hạnh phúc của người sáng tác không đơn thuần là đứng trên sân khấu để người ta biết mình. Những ngày mà các bài hát của ông trở thành hit trên làn sóng phát thanh chiều. Cả gia đình dọn cơm rồi cùng nhau ngồi lắng nghe những bài hát của ông, cùng bình phẩm, rồi vui cười. Niềm hạnh phúc với âm nhạc của nhạc sĩ Đài Phương Trang, giản dị là vậy. Mỗi khi nhắc lại, ông vẫn luôn bồi hồi về những kỷ niệm đó, như chỉ mới vừa qua.


Nửa thế kỷ nối lời tình ca

Không ít người thắc mắc về bút danh Đài Phương Trang, có vẻ rất nữ tính của ông. Cùng với những bài tình ca não lòng ăn khách, ai cũng nghĩ rằng ông có cuộc đời tình ái hết sức lãng mạn. Vì vậy nên có lời đồn rằng bút danh của ông được ghép lại từ tên của 3 người tình trong đời.

Nhưng thật ra không phải vậy. Bút danh đầy ẩn ý này được đặt theo một kỷ niệm thời học sinh của ông. Khi đó, dù là một tay chơi đàn được các cô trong lớp mến mộ và xin được nghe, nhưng ông lại ngại ngùng và chỉ đàn khi có các bạn trai yêu cầu. "Đàn phương trai" là một cách nói lái và làm thành bút danh, với ý nhắc lại kỷ niệm ngày xưa thời đi học, mà ông vốn vẫn bị mắng là "nhát gái", chỉ biểu diễn khi có bạn trai với nhau.

Liên tục trong nhiều năm của thập niên 60,70 ở Sài Gòn, các tác phẩm của nhạc sĩ Đài Phương Trang xuất hiện ngày càng thường xuyên và trở thành quen thuộc với người yêu nhạc. Từ Biết Ai Tâm Sự, Người Quên Kẻ Nhớ đến Tình Yêu Tuyệt Đối, Chuyến Xe Miền Tây... tên tuổi của ông thật sự trở thành một dấu ấn trong lịch sử âm nhạc bolero, đặc thù của miền Nam với gia tài hơn 600 ca khúc. Âm nhạc đã đưa ông bước đến những nẻo đường mới lạ, thay đổi nhiều trong cuộc sống của mình. Từ anh nhà giáo nghèo lọc cọc với chiếc xe cũ, nhạc sĩ Đài Phương Trang sắm sửa được chiếc xe Honda Dame, cuộc sống nhẹ nhàng hơn trong gia đình nhỏ của mình với 3 con nhỏ. Từ một người chơi mandolin trở thành một nhạc sĩ vang danh... Thế nhưng ông không bao giờ rời bỏ nghề dạy học và môn Việt Sử mà mình đã chọn. Thầy giáo - nhạc sĩ Đài Phương Trang chỉ về hưu vào cuối thập niên 90 và sau đó dành trọn thời gian cho việc thể nghiệm sáng tác nhạc trẻ và các bài ca hài, như kiểu ban tam ca AVT thời thập niên 60, 70.

Giờ đây, nhạc sĩ Đài Phương Trang cộng tác với nhạc sĩ Xuân Tường, lập thành ban nhạc để cùng hát, cùng sáng tác và rong ruỗi trên nhiều nẻo đường. Hai mái đầu bạc vẫn làm xúc động trái tim khán giả trong những khán phòng nhỏ và chia sẻ cảm xúc âm nhạc thật sự. Mùa Noel vừa qua, cũng là dịp kỷ niệm 50 bài hát lừng danh Hai mùa Noel của ông. Bài tình ca mà gần như đã gắn chặt với hình ảnh của một mùa cuối năm đầy kỷ niệm. "Mùa Noel đó, chúng ta quen bên giáo đường...". Khi nhắc về bài hát lừng danh này, nhạc sĩ Đài Phương Trang vẫn nói rằng mình cứ áy náy khi viết một bài hát rất buồn, dù đó chỉ là một câu chuyện tình mà ông tưởng tượng. Vì vậy nửa thế kỷ sau, ông lại cho ra đời bài Hai mùa Noel 2, với nội dung nói rằng những điều phiền muộn nhất rồi cũng sẽ qua đi, mọi thứ mãi là kỷ niệm đẹp. Bài hát nhân hậu như chính con người ông, cũng như là một ước ao đẹp chất chứa trong tim, hơn nửa thế kỷ mới có dịp tỏ bày.

Kỷ niệm 50 năm sự nghiệp âm nhạc Sài Gòn, mùa xuân này, nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng vừa giới thiệu phần 2 của bài Người Yêu Cô Đơn, một bài bolero mà ở hang cùng ngõ hẻm hay nhà tranh vách núi... đâu đâu người yêu nhạc cũng biết, ai cũng có thể hát nghêu ngao. Cũng giống như những bài hát đầu tiên mà ông xuất hiện trên đời sống, nhạc sĩ Đài Phương Trang lại mời một vài bạn đến nghe ông hát Người Yêu Cô Đơn 2. Tất cả mọi người im lặng nghe và xúc động. Người nhạc sĩ cất tiếng hát run run để nối lại một vòng thời gian nửa thế kỷ âm nhạc của mình như một cuộc tái sinh. Và với tình ca, ông tìm thấy sự tái sinh thầm lặng và quý giá của một đời nghệ sĩ, một đời hạnh phúc được cống hiến cho lời yêu thương.



IMG_1461

Friday, February 13, 2015

Sài Gòn đêm rất lạ

Sài Gòn có những đêm thật lạ. Gió về khuya mỗi lúc càng lạnh. Đường phố vắng dần. Sài Gòn có những người rất trẻ ngồi gần lại với nhau trong quán cà phê nhỏ, thì thầm hát và nhớ về một danh ca của thành đô dĩ vãng như muốn làm ấm lòng mình.

Ngày 12-2-2015 là ngày kỷ niệm 12 năm mất của ca nhạc sĩ Duy Khánh, nhân vật có một không hai trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Ít ai nghĩ rằng những người trẻ chỉ hơn 20 tuổi chia sẻ sở thích của nhau trên facebook đã tụ tập lại, ngồi kể chuyện về người nghệ sĩ đất quê Quảng Trị, hát và nhớ về ông. Sự hiểu biết lẫn yêu thích rõ ràng của những người bạn trẻ này khiến tôi nhớ về câu phàn nàn của ông Hoàng Thi Thao, cháu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, rằng ông ít tin rằng giới trẻ sinh sau 1975 có đủ hiểu biết và giữ gìn văn hoá Sài Gòn. Nhưng ở đây, rõ ràng có một điều kỳ diệu nào đó thôi thúc từng con người đó, khiến họ giữ lại, yêu thích và chuyền cho nhau, bất chấp rằng dòng nhạc đó từng là điều cấm kỵ, hiện vẫn bị kỳ thị và mọi cuộc tập hợp chia sẻ điều mang hơi hướng của những cuộc mạo hiểm trong lòng đô thị.

Sài Gòn không thể thiếu bolero, và Sài Gòn không thể ngừng ca hát, dù có những ngày tháng sống giữa cơ cực và bi thương. Ngày hôm nay, chỉ cần tìm một từ khoá "nhạc vàng" trên facebook, người ta có thể lần ra hàng chục nhóm, diễn đàn, hội bạn... yêu nhạc bolero, yêu những giọng ca dĩ vãng thắp sáng những trang lịch sử âm nhạc hiện đại của Sài Gòn. Bất chấp có những danh nhân, tài tử đời mới trong Việt Nam hô hào huỷ diệt bolero, miệt thị những ai yêu thích nó, người miền Nam, dân Sài Gòn vẫn lặng lẽ giữ lại như một thành trì bí mật của tâm hồn.

Sài Gòn hôm nay nhớ Duy Khánh có vẻ nhẹ nhàng bình thường, nhưng nhiều năm trước, cùng nhau ngồi lại và nghe Duy Khánh một cách có chương trình như những người bạn trẻ mà tôi thấy hôm nay, có thể là một trọng tội. Duy Khánh từng bị liệt vào hàng ngũ những "những tên biệt kích văn hoá" với nhà nước Việt Nam. Nói đến Duy Khánh, là nói đến những bài tình ca quê hương và hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hoà. Tiếng hát của Duy Khánh vẽ nên một miền đất Việt khốn khổ với chiến tranh, mẹ già mong hoà bình, những người vợ chờ chồng đang cầm súng bảo vệ đường biên giới Nam Bắc, mệt mỏi với cuộc chiến tranh vô nghĩa.

Ca sĩ Duy Khánh có một giọng hát mạnh mẽ, quyến luyến và tự nhiên như tiếng hò trên đồng ruộng. Thưởng thức tiếng hát Duy Khánh đồng nghĩa chối bỏ mọi lề thói và kỹ thuật thanh nhạc vô hồn mà hôm nay vẫn được thấy nhan nhản trên truyền hình, phát thanh. Ngay cả với nhạc sĩ Phạm Duy, người ít mở lời khen một cách tuyệt đối với những ai hát những bài hát của mình, vậy mà ông đã từng nói rằng mình biết ơn Duy Khánh khi cùng với ca sĩ Thái Thanh đã hát hai bản trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam của ông. Thậm chí nhạc sĩ Phạm Duy từng khẳng định rằng hai bài trường ca này rất kén chọn khán giả, và nhờ vào giọng ca của Duy Khánh nên mới được đông đảo người biết đến. Lời phát biểu của nhạc sĩ Phạm Duy trong đám tang của ca sĩ Duy Khánh, nay trở thành như bia đá tạc"Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh”.

Duy Khánh không là ca sĩ, ông là một nghệ sĩ. Ông hoá thân vào các tác phẩm mà mình trình bày. Lúc thì ông là chứng nhân trước quê hương miền Trung buồn bã nghèo khó của mình (Thương về miền Trung, Xin anh giữ trọn tình quê), lúc ông là là người kể chuyện đời (Màu tím hoa sim, Ngày xưa lên năm lên ba)... Hình ảnh Việt Nam chân thực trong bài hát của ông, có thể làm cho người nghe nao nao ứa lệ. Xuân này con không về, Thư xuân ba viết cho con... Là những bài hát về mùa xuân buồn da diết mà hầu như ai yêu bolero cũng muốn nghe lại trong những ngày cuối năm. "Hãy lắng nghe mọi ca từ có dấu ngã (~) mà Duy Khánh hát, sẽ không còn ai hát như vậy trong thế kỷ này", một người bạn Tây học rất điệu đàng của tôi, vốn là một người yêu tiếng hát của ca sĩ Duy Khánh, hay tấm tắc như vậy.

Sau năm 1975, như rất nhiều nghệ sĩ của miền Nam, ca sĩ Duy Khánh bị cấm hành nghề. Dĩ nhiên, bởi lý lịch của ông là thành phần hoạt động nổi bật trong Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc cục Tâm Lý Chiến. Những bài hát của ông cũng bị gạch bằng mực đỏ trong nhiều năm liền. Duy Khánh trở nên trầm uất và nhiều lần định vượt biên mà không được. Giai đoạn đó là lúc ông trở nên nghiện rượu nặng, mang theo di chứng này cho đến sau năm 1988, khi ông ra đi theo diện đoàn tụ gia đình do người em gái ở Mỹ bảo lãnh. Được tự do ca hát, như cá trở về nước, Duy Khánh đã dành hết phần đời còn lại của mình để trình diễn, tổ chức văn nghệ... cho đến lúc giã từ trần thế ở tuổi 65 (tháng 2-2003). Tang lễ ra ông là một trong những tang lễ nghệ sĩ hiếm hoi ở hải ngoại được khán giả, đồng bào quan tâm chia sẻ nhiều đến mức bản video ghi lại được bày bán ở nhiều nơi. Trước đó chỉ có đám tang của ca sĩ Ngọc Lan và sau đó chỉ có đám tang của nhạc sĩ Việt Dzũng mới có sự rầm rộ như vậy.

image


Tôi thấy trong đêm mà những người bạn trẻ tưởng niệm ca nhạc sĩ Duy Khánh ở Sài Gòn, không có ai có ý định mời những ca sĩ có giọng hát được báo chí và truyền hình lăng-xê là "giống như Duy Khánh" đến để chia sẻ. Sự so sánh đó, có thể gọi là tiếc nhớ nhưng cũng là sự lố bịch khi tạo nên một xu hướng chấp nhận những sự lập lại bằng các phiên bản tồi hơn. Chỉ có những người Sài Gòn chính danh với cảm nhận tinh tế mới có thể khước từ những sự lập lại đó. Đêm Sài Gòn ấy mà tôi thấy bừng lên những điều rất lạ: Duy Khánh chỉ có một và Sài Gòn chỉ có một trong lòng người mà thôi. Ôi. Nghe Duy Khánh mà nhớ Sài Gòn...

Thursday, January 29, 2015

Nghe Xuân ca, nhớ nhạc sĩ Phạm Duy

Chỉ đến khi một người bạn buồn buồn, nâng ly champagne và nhắc, tôi mới giật mình nhớ rằng đã 2 năm ngày mất nhạc sĩ Phạm Duy. 2 năm thoáng qua thật nhanh. 2 năm tre đã tận, măng thì vụng dại, người Việt đã không có gì hay ho hơn trong âm nhạc, và vẫn phải lặng người khi ngồi nghe lại những bài hát của một người tự nhận mình là người hát rong bằng tiếng Việt, từ thế kỷ trước. Tưởng niệm một thiên tài, tự mình mở lại bài Xuân Ca, tôi lại thấy trong đó muôn ngàn ngậm ngùi, không chỉ cho người đã khuất mà cho một nước Việt mong manh mờ ảo.

Nhắc về Phạm Duy, có rất nhiều người thích nói về tục lụy trong đời ông, nhưng tất cả thì vẫn phải lắng nghe. Âm nhạc của Phạm Duy là tiếng lòng, là sách giáo khoa quốc túy, là câu chuyện kể đẫm gió bụi trần gian của kẻ hát rong đi qua chiến tranh và nội loạn. Và dù như thế nào, trong âm nhạc của Phạm Duy luôn văng vẳng một lời kêu gào ham muốn được sống, được chạm vào một cảm giác của cõi trần gian, khao khát yêu thương và hoan lạc với đời.

Xuân tôi ơi sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm có ta Xuân còn hỡi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần


Câu hát về mùa xuân của Phạm Duy như hờn trách, như đau vì phải đời người phai tàn theo năm tháng khi trái tim vẫn ngùn ngụt đam mê. Nghe như có cái gì đó vọng lại từ đời mình, vọng lại từ những điều phù du yêu dấu mà chính mình đã trãi qua. Cuối những năm 90, khi làm quen và trò chuyện với ông, tôi mới nhận ra rằng sự tha thiết với cuộc sống vẫn cấu cào ông, bất kể lúc nào. Có lần, buổi xế chiều ở Việt Nam, tức đã rất khuya ở Mỹ, bất ngờ Phạm Duy gọi điện thoại về. Giọng ông thì thầm và đau đáu “Ở Việt Nam còn ai nghe nhạc tôi không?”. Tim tôi thắt lại. Tôi đã phải nói với ông rất nhiều rằng chính quyền và những quan chức dùng bộ máy kiểm duyệt như một thứ hình phạt tùng xẻo với đồng loại mình thì vẫn ráo riết thô bỉ, nhưng người dân vẫn đứng ngoài những điều đó, và họ vẫn nghe, hát mỗi ngày. Nhưng dù vậy, có lẽ ông vẫn chưa tin lắm, tự tay chép ra hàng loạt đĩa CD trên máy tính các bài hát của mình và nhờ Duy Cường mang về đưa cho tôi, dặn rằng nếu có ai muốn nghe nhạc Phạm Duy thì giúp ông, chia sẻ với họ.

Năm 2004, khi có cái lệnh quái gở về việc tất cả nghệ sĩ trên nước Việt phải thi lấy giấy chứng nhận hành nghề, Sở Văn Hóa Thông Tin ở Sài Gòn tổ chức các buổi giảng về chính trị bắt buộc tại rạp Hưng Đạo (đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, lúc đó là quyền giám đốc Sở, đã tuyên bố đanh thép rằng có 4 cái tên được coi như xử bắn vắng mặt, ai âm mưu chơi nhạc, truyền bá sẽ bị liên lụy, đó là Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Việt Dzũng, Nguyệt Ánh. Thế nhưng chúng tôi vẫn chơi Đưa em tìm động hoa vàng, vẫn hát Tạ tình, và vẫn nghe Một món quà cho quê hương. Âm nhạc vượt mọi rào cản và sợ hãi, dù bị hiến tế cho những mưu đồ chính trị. Lúc đó, chúng tôi nghe chuyện Lộc Vàng ở Hà Nội đi tù vì hát nhạc vàng, và ở Sài Gòn thì chúng tôi chứng kiến những bài hát cũ trước tháng 4-75 bị gạch không thương tiếc ra khỏi các danh sách sản xuất của băng đĩa nhà nước. Cũng lúc đó, tôi nhận được những bài hát mới của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác rồi gửi về, trong đó có những bài phổ thơ từ những bài thơ tình rất mới của nhà thơ Hoàng Hưng. Ông ký tên trên các bài hát mới với bút danh là “Y Du”, tức tách từ chữ “Duy” và nói rằng nếu tôi nếu có dịp thì cứ xuất bản, đừng ngại chuyện tác quyền. Lúc đó, cầm những bài hát mà lòng tôi buồn vô hạn. Âm nhạc cứ phải lẩn khuất, âm nhạc chạy trốn phục binh. Lời hát cứ phải cất lên trong vết cắt kẽm gai ứa máu.

Khi đó, còn đang làm việc ở báo Tuổi Trẻ, tôi hỏi ý người chủ biên của mình là nhà báo Đoàn Khắc Xuyên về việc có nên làm một bài phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy hay không. Anh Xuyên trầm ngâm một hồi, rít thuốc, nói “thôi cứ làm đi, nhưng để đó, rồi sẽ đến lúc”. Tôi gửi 41 câu hỏi cho nhạc sĩ Phạm Duy với niềm hy vọng rằng một ngày nào đó, ông sẽ lên tiếng dõng dạc quan điểm của mình trên báo chí trong nước. Ấy vậy mà, 2 năm sau khi ông mất, khi xem lại những câu hỏi đó, tôi biết còn rất lâu nữa, mới “đến lúc” như tôi và người chủ biên của mình hy vọng. Ngay khi ông về nước, cười nói và bước qua những trò tuyên truyền chính trị, như cách của một người già chìu lòng bọn trẻ con ngu ngốc để được yên, ông vẫn giữ nguyên trên website của mình phần trả lời cho tôi, với sự dứt khoát “Tôi chưa bao giờ là người Cộng Sản”.

Những lần gặp hiếm hoi, khi nhạc sĩ Phạm Duy đã quyết định về sống ở Việt Nam, cho tôi một cảm giác rằng ông như đang hát phần Nắng chiều rực rỡ trong đời mình, xuôi tay và chấp nhận mọi thứ để được nằm lại ở miền quê hương tinh khiết trong trái tim ông. Con ngựa hoang tự do và mỏi mệt chỉ mong được uống nước ở dòng sông cũ và không mong gì hơn là nghe thấy âm nhạc của mình vang lên trong lòng dân tộc.

Tôi nghe Xuân Ca và nhớ lại một câu trả lời của ông mà bật cười một mình. Phạm Duy ra đi để lại một gia tài âm nhạc cho đời Việt, để lại một tính cách tự do ngông cuồng đủ cho các cuộc tán gẫu không thể dừng. Khi tôi hỏi ông rằng có sự lý giải nào cho sự khác biệt giữa một Phạm Duy đầy triết lý với những bài ca tâm linh, thanh thoát và một Phạm Duy rất đời thường qua các bài tục ca hay không, ông trả lời rằng “Là nghệ sĩ mà tự giam mình vào những đề tài hạn chế thì chán bỏ mẹ ! Nhưng đừng tưởng rằng chỉ vì muốn thay đổi đề tài mà tôi soạn tục ca sau khi soạn tâm ca. Tục ca rất đứng đắn (seriously). Hơn nữa nó phản ảnh đúng cái thời đại mà ai cũng muốn văng tục”.

Một năm mới lại đến. Xuân ca lại văng vẳng trong trái tim người. Niềm khao khát còn đó nhưng mùa xuân thật sự của xứ Việt đang ở nơi đâu?


Kỷ niệm 2 năm, ngày mất nhạc sĩ Phạm Duy
(27-1-2013 / 27-1-2015)

-----------------------------------
Ảnh: từ internet



IMG_1442-0

Friday, January 23, 2015

Cafe cuối năm, internet

Những buổi sáng cafe ở Sài Gòn 10 năm trước cho đến nay dường như vẫn không có gì thay đổi. Vẫn ly cafe nhạt đó, những câu chuyện hỏi han nhau lệ thường, những cuộc tranh cãi vu vơ giữa người với người để chứng minh sự tồn tại như lẽ thật trên trần gian. Khác chăng là những đứa trẻ đánh giày nhiều hơn, những người già vé số tuyệt vọng hơn. Và đặc biệt lượng người trầm ngâm với điện thoại hay máy tính bảng ở mọi góc, ở mỗi giờ.


Thế giới đã khác, những tờ báo giấy mòn mỏi và chậm chập như những chuyến xe liên tỉnh không đến kịp thời gian. Con người Sài Gòn hôm nay ngồi chạm lướt vào hiện tại tức thì để nói về cuộc sống của mình, buồn phiền hay vui cười những tin tức chớp tắt từng giờ. Sài Gòn ngồi một chỗ có thể nhìn mọi nơi, nghe những chuyển động của người Việt, có thể cười cợt với những vận may hạnh phúc và cũng có thể chết lặng với những đảo điên của giống nòi.

Lại một buổi sáng như mọi buổi sáng ở Sài Gòn, anh bạn làm trong ngành toà án nói rằng từ internet, tin tức liên quan về luật pháp có thể những người quan tâm đến stress nặng. Anh bạn làm báo thì kể có lúc anh đọc tin, thấy những trái ngang đến mức bị trầm uất, ngồi hàng giờ ở nhà mà không nói tiếng nào, đến mức gia đình lo sợ.

Là người, chắc không ai quên được vụ thảm sát công dân Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên (2014), mà thủ phạm lại là 5 công an viên do bức cung, nhục hình, bất chấp nạn nhân kêu oan. Tin tức về sự kiện này thoạt đầu, báo chí không đưa nhiều, thậm chí nương nhẹ, giấu bớt phần tội ác của các công an viên. Thế nhưng tin tức trên internet bùng nổ lên tiếng, mang đi hình ảnh những đứa trẻ đeo khăn tang, người vợ mang bức hình thi thể dập nát của chồng mình kêu oan trước những ánh mắt nhân viên an ninh trừng trừng vô hồn đe doạ. Có một bức ảnh được truyền đi trên mạng, cho thấy đứa trẻ đang hôn vào di ảnh của cha mình. Nhiều người đã bật khóc vì khoảnh khắc đó. Nhiều người như anh bạn làm ở ngành toà án hay nhà báo của tôi, và cả tôi đã nhưng nghẹt thở khi nhìn thấy. Tíc tắc của hình ảnh đó có thể theo tôi đến tận cuối đời như một lời nhắc nhở rằng xứ sở mình, người Việt mình đã oan khiên như thế nào, và may mắn thay, nếu không có internet, những điều như thế này sẽ không bao giờ chạm được vào đời thường để được sẻ chia công lý.

Tin tức trên internet như một cuộc cách mạng thầm lặng và vĩ đại đã thay đổi đất nước này, dù không phải ai cũng hân hoan đón chào nó. Trước khi có internet, mọi thứ bị kềm hãm trong truyền hình và báo giấy, trở thành một lá bài ma thuật muôn mặt với công chúng.

Những người bạn ngồi cafe gợi nhớ ngày tháng mọi thứ lệ thuộc vào các bản tin nhanh. Từ bóng đá cho đến các sự kiện thế giới như Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chiến tranh Vùng Vịnh... Dòng người nôn nao đứng trước Thông Tấn Xã VN chờ mua vào lúc 4g chiều - những ngày tháng đó đã nói hết mọi điều. Những bản tin một chiều, bị kiểm duyệt và thậm chí bóp méo đã được nâng niu, bàn tán từng ngày. Cuộc sống trong một cái nồi đậy nắp kín vẫn luôn đau đáu ngóng chờ một giây phút nào đó để nhìn thấy bầu trời bên ngoài. Hôm nay thì mọi thứ đã thay đổi, dù cá mập có xuất hiện từng đàn theo ước hẹn trước để cắn các dây cáp quang dưới lòng biển, internet xoay tròn tìm kiếm, người ta vẫn tìm thấy đủ cách để tiếp nhận thông tin quanh mình.

Không thể nào dừng được thông tin đến với mọi người, và càng không thể che đậy hay ngăn chận. Vụ thảm sát ở Phú Yên lộ dần bộ mặt của các ác và sự thống trị như cát cứ của chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành công an ở đó. Và cũng nhờ đó, mà người ta biết đến chân dung của một người luật sư trẻ đáng kính trọng, Võ An Đôn.

Hãy hình dung vào 10 năm trước, nếu vụ án oan này xảy ra mà không có internet, có lẽ số phận gia đình của nạn nhân Ngô Thanh Kiều sẽ nguy nan biết mấy trước sự bao che, cấu kết lộ rõ ở vùng đất đó. Và luật sư Võ An Đôn chắc cũng sẽ bị xô vào một góc tối khác, nơi công lý chỉ còn một hình hài rách rưới và cam chịu.

Có thể anh Võ An Đôn cũng có một trái tim bình thường như mọi con người khác. Anh cũng biết sợ hãi và biết mình đang đối diện với điều gì. Khi bị cáo công an Lê Minh Phát nổi giận, đạp ghế và chửi bới trước toà khi nghe án tù 6 năm của mình cho tội giết người, nhiều người đã lo sợ. Và chắc anh Võ An Đôn cũng có một tíc tắc bất an nào đó. Ai cũng hiểu hành động của viên công an giới thiệu một bộ mặt khác của Phú Yên, nơi công an là trời, là núi cao, là cát cứ trong sự sợ hãi của dân chúng. Cú đạp của viên công an chỉ là sự bày tỏ rằng vì sao có một loại công lý nào đó có thể chạm được đến họ.

Vụ án kết thúc, nhưng đến năm 2015, cuộc trả thù đánh với vẫn dai dẳng, khi các cơ quan tư pháp tỉnh Phú Yên liên hiệp với nhau loay hoay tìm cách rút thẻ hành nghề của luật sư Võ An Đôn. Thậm chí đòi thanh tra nơi làm việc của luật sư Đôn để "quét nhà ra rác". Nhưng may sao, câu chuyện này với các mặt phải-trái của nó đã nhiều đến mức mọi người đứng về vị luật sư cô đơn ngay trên quê mẹ của mình. Bộ mặt quyền lực cát cứ và dẫm đạp lên cả đồng loại mình bị xé toạc ra, lộ ra giòi bọ nhun nhúc trong đó. Nhưng cũng từ đó, những người biết chuyện lại thêm sự lo ngại, rằng cuộc chiến đó chưa yên, quyền lực đó vẫn sẽ âm mưu phục kích công dân tử tế của mình một ngày nào đó để kiểm soát mọi thứ.

Tôi chưa một lần gặp mặt luật sư Đôn, chỉ thấy anh qua hình ảnh. Trong sự rắn rỏi và quyết liệt của anh, dường như tôi còn nhìn thấy sự liều chết của một kẻ đánh bom, muốn phá tan các bức tường che đậy tội ác, bứt đứt những bàn tay đang nắm chặt với nhau vượt qua các giá trị luân lý và nhân tính. Hôm nay, một phần bóng tối đó bị đẩy lùi không chỉ bằng sự cao quý trong trái tim luật sư Đôn, mà còn cả truyền thông nhà nước lẫn tự do cũng lên tiếng. Internet mang đi xa câu chuyện nhức nhối đó, các câu chuyện cafe chia sẻ mạnh mẽ hơn. Sài Gòn xa Phú Yên hàng trăm cây số, nhưng rất gần bởi cùng sự căm giận cho số phận con người.

Những buổi sáng trôi qua chầm chậm, giật mình lại thấy đã cuối năm. Những câu chuyện từ internet thì dồn dập đến mức khó mà nhớ hết được, nhất là khi mảnh đất Việt Nam này sáng nào mà không đọc thấy một chuyện đáng ngậm ngùi. Trong tập cuối bộ phim Rurouni Kenshin, thầy của tay lãng khách sát thủ đã nói rằng "sao nhìn con như đang mang giùm nỗi đau cho cả đất nước này vậy." Nhìn mặt của nhiều người tiếp nhận tin tức buổi sáng cafe hôm qua và hôm nay, vẫn có thể thấy được những điều u uất đó lởn vởn chung quanh. Nhưng nếu không là vậy, hoá ra, chúng ta đã trở thành loài súc vật công cụ vô tri sao?

Tôi chép lại câu chuyện này như một thứ nhật ký, bằng một niềm hy vọng nhen nhúm. Những ghi chép này như một thứ nhật internet ghi lại sức mạnh của chính nó, ghi lại con người đã ra sao từ đó, và ghi lại một phần những câu chuyện không bao giờ được quên lãng trên đất nước này.

Đây là một lời cảm ơn thầm lặng của tôi đến luật sư Võ An Đôn và chia sẻ đến gia đình của nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Và đây cũng là lời cảm ơn đến những ai đã từng chia sẻ câu chuyện này và biến nó thành một sức mạnh công lý của chúng ta.

Wednesday, January 21, 2015

Thực tế như ác mộng

image



Truyền hình thực tế đang đem lại điều gì cho xã hội? Câu hỏi này đang được các nhà xã hội học dấy lên, mỗi lúc một nhiều. Những cuộc vui sống động mà công nghệ giải trí mang lại cho đám đông bị đánh giá mỗi lúc đang quá đà hơn, háo hức vượt qua mọi lằn ranh về đạo đức và an toàn cho người xem cũng như người tham gia chương trình.

Bên cạnh những ý kiến bảo vệ các loại reality show (truyền hình thực tế) là điều không thể thiếu của xã hội hiện đại, đem lại cảm xúc cho đám đông hay gì gì đó, thì cũng có những ý kiến khác nói rằng mọi thứ trên truyền hình được gọi là thực tế, nhưng hoàn toàn dàn dựng giả dối, và mục đích chính chỉ là mua bán con người. Trên trang thăm dò idebate.org, ác cảm dành cho thể loại truyền hình thực tế vẫn luôn ở mức cao, dù trãi qua nhiều ngày tháng tranh luận.

Không phải ngẫu nhiên mà các tập phim Hunger Games trở thành bom tấn thu hút toàn thế giới, trong đó nữ diễn viên Jennifer Lawrence là nhân vật đã làm mọi thứ để tự mình thoát khỏi vai trò trong một chương trình truyền hình thực tế và lãnh đạo người dân đứng lên tìm về một cuộc sống thật. Nếu cuộc trình diễn đấu trường của chính quyền Panem trong phim là đỉnh cao của truyền hình thực tế, thì chẳng bao lâu nữa, công nghệ giải trí ngoài đời sẽ không ngại hy sinh đồng loại của mình để tạo không khí. Máu và cái chết có thể sẽ là mục tiêu hướng tới để mua cảm giác, bán lại cho các nhà quảng cáo.

Mới đây, trong chương trình thực tế Điều Ước Thứ 7, phát ngày 10/1 của Đài truyền hình Việt Nam (VTV), câu chuyện "vợ chồng cô gái khiếm thị hát rong" bị lật tẩy khiến công chúng xôn xao. Cuộc đời và chuyện tình mua nước mắt được dàn dựng này đã tạo nên sự phẫn nộ ở khắp nơi. Mặc dù đã có quyết định từ Thanh tra Bộ Thông Tin & Truyền Thông xử phạt ê-kíp này, thế nhưng dư luận dường như vẫn chưa yên. Toàn bộ bức tranh lạm dụng con người và mua bán lại đã phơi bày, mà từ đây, bất kỳ ai cũng có một thêm lý do để lo ngại cho một nền văn hoá phô diễn rực rỡ và thực tế non yếu của đất nước trước con đường tương lai.

Cô gái khiếm thị Nguyễn Như Đào và anh Nguyễn Nhật Thanh được lắp ghép vào nhau, giúp tạo ra một kịch bản tình yêu cao quý để lừa người xem. Thế nhưng khi trần tình với khán giả về điều bị phát hiện, thì những người chịu trách nhiệm của VTV lại nói họ bị lừa, như những nạn nhân tội nghiệp. Sự không chân thành đó khiến khán giả có quyền lo ngại rằng họ có thể bị lừa thêm những lần nào đó trong tương lai, bởi những người thực hiện chương trình không đủ kinh nghiệm và hời hợt, như chính họ mô tả.

Truyền thông, trong sự kiểm soát kiêu ngạo và lạm dụng, có thể dẫn đến những bi kịch cho cả một xã hội chứ không riêng gì người xem hay người tham gia thực hiện chương trình. Năm 2007, một nữ diễn viên phim truyền hình của đài VTV vướng vào một scandal tình ái, sau đó, một khung giờ vàng của đài được tổ chức, gác lại các tiết mục thường kỳ, để nữ diễn viên này lên truyền hình xin lỗi khán giả câu chuyện riêng của mình, mà lẽ ra không cần phải phơi bày như một show diễn như vậy. VTV không phải là một đài tư nhân. Ngân sách từ tiền thuế từ người dân. Nhưng từ sự kiện đó, xã hội có lý do để tin rằng luôn có những ngoại lệ rất "riêng" cho những điều rất chung trong cuộc đời này.

Nhưng cũng chưa chắc những người được truyền thông "chăm chút" như vậy đã hạnh phúc, có thể họ cũng là nạn nhân của một loại truyền hình thực tế gắn nhãn mác "tình người". Nhà tâm lý học về truyền thông Oliver James đã từng tố cáo trong các nghiên cứu của mình rằng các loại truyền hình thực tế dàn xếp tình huống, luôn gây tổn hại tinh thần và tâm lý của những người tham gia. Thậm chí các reality show còn kích động các vùng thần kinh cảm nhận bằng các tình huống khiến mãi về sau, những người tham dự có thể trở thành nạn nhân, những người dễ bị thất thường cảm xúc (emotionally vulnerable people).

Mới đây, trong một chương trình truyền thanh, người ta nghe được một câu chuyện bi thương khác. Một cô gái viết thư cho đài kể chuyện tình yêu của mình, được đọc lại cho khán giả cùng nghe. Nhân viên đài truy tìm chàng trai, vốn đã chia tay với cô đó và nói trực tiếp trên đài, bằnh giọng điệu như một quan toà lương tâm, buộc phải chịu trách nhiệm cho cuộc tình này, buộc anh ta  anh ta phải tuyên bố trên đài. Không có kết cục cho câu chuyện bi thương đó vì chàng trai nói mình sẽ có cách của mình trong đời sống riêng chứ không nhất thiết phải trả lời công cộng như vậy. Ngay khi chương trình kết thúc, người ta nhìn thấy trước tiên là sự bi thương cho số phận của chương trình phát thanh đó, khi bán rẻ những cuộc đời riêng người khác cho những giờ phát thanh có quảng cáo của mình. Lạm dụng và dốt nát về quyền riêng tư, đã biến chương trình đó không những trở thành bi kịch cho chính họ, mà còn làm trĩu nặng những trái tim những ai đang đau đáu lo lắng về vận mệnh văn hoá của dân tộc mình mai đây, vẫn đang bị giao nhầm chỗ, từ những điều nhỏ nhất.

Đã hơn 3 thập niên kể từ khi reality show ra đời, và cũng có quá nhiều biến đồ diễn giải cho loại hình giải trí này. Năm 1991, khi chương trình reality show hoàn chỉnh đầu tiên xuất hiện ở Hà Lan và lan tràn toàn thế giới, reality show đã trở thành một gánh xiếc khổng lồ hái ra tiền của mỗi quốc gia, mà phía sau hậu trường cũng có đủ tiếng roi, nỗi ngậm ngùi và kịch bản âm mưu. Ở ngay những quốc gia đủ tri thức và nền tảng văn hoá để kiểm soát thì mọi chuyện cũng đã bắt đầu khó khăn. Còn ở những quốc gia đang gồng mình hoàn thiện và chạy theo đồng tiền của công nghệ giải trí, thì đó là một vấn nạn âm ỉ, chỉ đợi cơ hội để bùng lên, bào mòn sự kết nối giữa người với người, phá vỡ mọi quy tắc đạo đức và nhân văn. Lúc đó, thực tế đó, cũng sẽ không khác gì những cơn ác mộng.

Wednesday, January 14, 2015

Charlie Hebdo và một góc nhìn khác

image



Sự kiện tờ báo Pháp châm biếm Charlie Hebdo bị những kẻ khủng bố đạo Hồi tấn công vừa qua chưa chấm dứt. Dù có vẻ như quyền tự do ngôn luận được ủng hộ, dù những kẻ  gây tộc ác đã bị săn đuổi rầm rộ, nhưng câu chuyện này vẫn lại mở thêm những góc nhìn mới, đáng lo ngại.

Những nhà nghiên cứu về xã hội và tôn giáo ở Pháp và Tây Âu đang gọi tên một hiện tượng mới, Islamophobia (tạm dịch là chứng cuồng sợ/ghét đạo Hồi) đang lan tràn một cách nguy hiểm. Hôm nay, khi chúng ta chứng kiến những kẻ cầm súng hay hành động với một niềm tin kỳ quái, thì đó là quả trái được thu hoạch từ cánh đồng nhiều năm được nhồi nhét về sự cao cả, hy sinh và tận hiến. Cuồng đạo Hồi hay một triết lý nào đó bị lợi dụng cũng có thể dẫn đến một thế hệ như vậy. Chủ nghĩa phát xít của Hilter hay thuyết Khổng tử để phục vụ cho Bắc Kinh… cũng vậy, mục đích thấy rõ là đều để lạm dụng con người như nhau.

Sự kiện 12 nhà báo bị bắn chết ngay tòa soạn của mình ở Paris, đã nhắc về vấn nạn Islamophobia đang xuất hiện ở Phương Tây. Sự kiện này cũng cho thấy một hiện trạng đau lòng là một phần của thế giới tôn giáo dị biệt đang muốn tồn tại ngoài biên giới của họ, nhưng không được chào đón. Charlie Hebdo vừa là nạn nhân của một sự kiện, nhưng cũng giới thiệu mình như một sự thật của định kiến. Và từ những uẩn khúc đó, chính là nơi tươi tốt để mầm Islamophobia nẩy nở.

Tuy vậy, điều cần được nhớ là trong nền tảng văn minh, không ai phải bị chết chỉ vì các bức tranh của mình. Và cũng không ai phải sống dưới sự sách nhiễu bởi tinh thần hay thể chất vì sự chọn lựa tín ngưỡng của mình. Trong thế giới được kêu gào cho tình đại đồng, dường như lại là sự kích thích tốt chủ nghĩa dân tộc cực đoan bùng lên. Chưa lúc nào đảng cực đoan chống người nhập cư của chính trị gia Le Pen ở nước Pháp lại được ủng hộ nhiều như vậy. Nó nhắc người ta nhớ đến việc người Trung Quốc đập phá hàng hóa Nhật bản, kể cả chó, và người Campuchia thì trục xuất người Việt, đốt cờ Việt.

Các ghi chú về Islamphobia đang tăng nhanh ở Pháp. Năm 2013 có 691 vụ án mang màu sắc Islamphobia, tăng 47% so với năm 2012, và có đến 78% nạn nhân là phụ nữ. Báo cáo cũa cảnh sát Pháp về tình trạng Islamphobia đang nhấn mạnh rằng tình hình đang ngày càng đáng báo động, đặc biệt từ năm ngoái, khi một binh sĩ người Anh bị 2 người đạo Hồi chặt đầu ngay trên đường phố để trả thù cho cộng đồng Hồi giáo quê nhà tại Iraq.
Rất nhiều quốc gia đã theo dõi sát sao các đạo luật nhằm bảo vệ màu sắc riêng về tín ngưỡng và quyền con người liên quan đến Hồi giáo tại Pháp. Nước này được coi như là cuộc thử nghiệm để tìm thấy các phản ứng nhất định.

Từ hơn 3 năm qua, Pháp đã có đạo luật cấm hiển thị công khai đức tin Hồi giáo. Mặc dù trong năm triệu người Hồi giáo sinh sống tại Pháp, chính phủ ước tính chỉ có khoảng 2.000 phụ nữ mặc Burqa hay niqab (trùm người và che mặt). Năm 2011, chính phủ Pháp cấm các công đeo mặt Hồi giáo trải. Bất cứ ai cũng mặc những hình thức Hồi giáo phục là bị phạt khoảng 120 USD, hoặc là buộc phải có những bài học thành công dân Pháp. Những người theo đạo Hồi co cụm lại, và sự bất mãn cũng bắt đầu từ đó nhiều hơn. Rất nhiều bình luận cho rằng Pháp đã làm đúng, nhưng mặt khác cho thấy một cuộc khủng hoảng bản sắc của người Pháp trong việc bảo toàn chủ nghĩa thế tục trong bề mặt xã hội của mình.

Nước Anh cũng ghi nhận trong năm 2013 có đến 500 sự kiện Islamphobia. Thụy Điển với truyền thống ôn hòa và dung nhận cũng đang được vận động cắt giảm 90% người gốc Hồi giáo tị nạn nhập cư vào nước. Thậm chí đã có đến 3 nhà thờ Hồi giáo đã bị đốt phá. Đức cũng đã bùng nổ một phong trào có tên “Không Sharia Châu Âu”. Cuộc biểu tình phản ứng với Hồi giáo cực đoan ở Dresden có đến 17.500 người cùng xuống đường. Cảnh sát Đức ghi nhận rằng rằng đã có hơn 70 cuộc tấn công chống lại các nhà thờ Hồi giáo từ năm 2012 đến 2014.

Trên khắp Tây Âu, phong trào chống người người nhập cư Hồi giáo ngày càng tăng, bày tỏ những lo ngại của họ trong nền kinh tế, sự đấu tranh của các tầng lớp trung lưu, những cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Và sự dị biệt tôn giáo cũng là vấn đề lớn.

Đó cũng chính là tiêu chí không tuyên bố mà người ta có thể nhận thấy qua tờ báo Charlie Hebdo. Những ngày qua, có đến gần 4 triệu người Pháp xuống đường phản đối việc các kẻ khủng bố đạo Hồi tấn công và bắn chết các nhà báo ngay tại bàn làm việc của họ.

Dĩ nhiên, quyền tự do ngôn luận và chống việc giết người là điểm chính. Nhưng ai cũng thấy thấp thoáng trong đó, Pháp hay Tây Âu nói chung, cũng muốn phần nào bộc lộ sự mệt mỏi của mình trước những kẻ cuồng tín dị giáo, mà trong một thế giới gần như họ phải cam chịu chung sống.