Wednesday, November 26, 2014

Ai sẽ nhìn ra biển?

Bà Ruby Holt, một người vừa kỷ niệm tuổi 101 của mình ở bang Tennessee, Mỹ. Suốt cuộc đời của bà chỉ quẩn quanh ở ngôi nhà của mình và nơi làm việc. Sống bằng nghề thu hoạch bông vải, thanh bạch và cần mẫn, bà Ruby Holt đã nuôi lớn 4 đứa con của mình nhưng chưa bao giờ có dư dả để có được một chuyến đi xa khỏi nơi trú ngụ.

Trước ngày kỷ niệm bà 101 tuổi, khi được hỏi về một ước muốn cuối đời, bà Ruby Holt im lặng một lúc rồi nói bà chỉ muốn được nhìn thấy biển. Suốt cuộc đời quẩn quanh với cánh đồng và những rặng núi xa xa, bà Ruby Holt chỉ thấy biển qua truyền hình, qua tạp chí... "Người ta nói biển đẹp lắm, nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội đi đến", bà Ruby Holt nói với vẻ ngại ngùng, chất phác.

Cùng với gia đình, bà Ruby Holt được đưa đi đến bãi biển ở Vịnh Mexico. Hình ảnh cụ bà sống qua một thế kỷ lần đầu tiên nhìn thấy, chạm chân vào cát và nước biển đã làm cho nhiều người xúc động đến rơi nước mắt. Như một đứa trẻ, bà Ruby Holt dè dặt nhúng chân vào một làn nước biển và mỉm cười. "Lạnh há", bà Ruby móm mém nói.

Thật khó mà diễn tả được cảm nhận của con người khi đứng trước biển, cảm nhận sự vĩ đại của thiên nhiên, cảm nhận được sự nhỏ bé của mình. Nhưng với bà Ruby Holt thì cảm giác đó có lẽ còn nhiều hơn nữa vì trước khi vào cõi vô định, bà lại chứng kiến điều thật lớn lao trong cảm giác và ước muốn của mình - một ước muốn lương thiện. Cô đơn ngồi trước biển, sẽ khó có ai hơn bà Ruby khi cảm nhận sự phù du của cuộc sống, sự vô nghĩa của cuộc sống của con người, dù có sống được đến trăm năm.

Người ta kể lại rằng bà Ruby Holt ngồi im lặng rất lâu trước biển. Bà nhìn về cuối chân trời, nơi không có gì nơi đó, ngoài những làn sóng dịu dàng đuổi nhau đến bờ cát nơi bà ngồi. Những cánh chim bay thoáng qua bầu trời và ánh nắng chiều toả lan trên nét mặt răn reo của bà, như muốn sưởi ấm cho bà trong một ngày gió lạnh.

Điều làm cho rất nhiều người im lặng, nghĩ về mình, khi chứng kiến bà cụ 100 tuổi ngồi trước biển, như một cuộc từ giã đầy ý nghĩa với địa cầu. Người phụ nữ đó đã suốt trọn vẹn một cuộc đời thanh bạch, chưa biết đến bất kỳ một điều xa xỉ nào. Ấy thế khi chọn điều ước cuối, người phụ nữ đó lại chọn một điều bình dị khó ngờ. Tâm hồn của một người lương thiện sáng như một ánh cầu vồng, thanh thản đối diện trước đoạn đường cuối cuộc đời bằng nắng và gió, và sóng biển. Tất cả những điều đó không thể diễn tả hết bằng âm nhạc hay thi ca, mà chỉ bằng sự yêu mến và cảm nhận cuộc sống này.

Trong những câu chuyện biết được trong cùng một thời gian, còn có việc ông tổng thanh tra Trần Văn Truyền ở Việt Nam bị phát hiện có một khối tài sản khổng lồ. Nhiều ngôi nhà và đất đai của một viên chức nhà nước, mà theo lương chính thức công bố th oong taì chỉ có thu nhập vài chục triệu đồng một năm. Khối tài sản lớn đến mức nếu chiếu theo thu nhập công khai đó, nhiều thế hệ dòng họ của ông Trần Văn Truyền có làm cật lực thì chỉ mới mong có được một phần.

Khác với bà cụ 100 tuổi Ruby Holt, ông Truyền không nhìn thấy cánh đồng, không nhìn thấy cuộc đời của mình với sóng biển hay nắng, mà cái nhìn của ông chỉ hướng về nhà, xe, tiền của... nhưng quan trọng hơn, đó là của cải không thuộc về mình. Ông Truyền chỉ nhìn thấy những thứ nơi giam hãm cái nhìn con người ông vào những góc tù ngục nhất trong trái tim.

Bà Ruby Holt suốt cuộc đời, chưa thấy ai nói rằng bà tuyên bố mình là người lương thiện. Nhưng ông Truyền thì có. Trong cuộc chiến được giao phó trách nhiêm chống lại những kẻ bòn rút, cắn xé tài nguyên quốc gia, thụ hưởng cả từng đồng xu lẻ tiền thuế của dân nghèo Việt Nam, ông Truyền có tuyên bố nhiều lần mình là người tốt, là người sẽ không khoan nhượng với những kẻ xấu.

Có bao nhiêu người Việt nghèo khó và lương thiện trên đất nước này chưa bao giờ có thể đi xa khỏi nơi mình ở, chưa bao giờ thấy cái gì khác hơn ngoài mái tranh và ruộng vườn bấp bênh của mình? Và có bao nhiêu những người như ông Truyền, với cuộc sống không còn nhìn thấy gì ngoài dối trá, danh lợi và cưỡng bức tài nguyên của mảnh đất mình sinh ra? Khác bà Ruby Holt và những người Việt quẩn quanh ở quê nhà của mình, ông Trần Văn Truyền ắt đã đi nhiều nơi, đã từng ngồi ở những resort thượng hạng. Nhưng ngay khi đối diện với biển và tương lai, chắc ông Truyền cũng đã không còn đủ sự lương thiện để nghĩ về sự nhỏ nhoi vô minh đời mình, ngoài từ việc mơ cất thêm những mái lầu cao, và những con số để lừa gạt mọi người?

Tôi cũng tự hỏi có bao nhiêu người như ông Truyền đọc được những dòng này và suy nghĩ cho phần mình? Ai trong số họ sẽ một lần ngồi trước biển như cụ bà Ruby Holt, im lặng và nghĩ suy bằng mầm lương thiện sót lại?





IMG_1238.JPG

Wednesday, November 19, 2014

Thương nhớ thầy cô

hand-in-hand

Mấy đứa nhỏ tan trường về nhà, kể rằng hôm nay cô giáo bị mất cục nam châm đồ dùng giảng dạy. Cô giận lắm và hỏi cả lớp rằng ai đã lấy của cô. Mấy đứa nhỏ mặt mày im re vì sợ, nhìn nhau. Cuối cùng cô ra lệnh các bạn ngồi cùng bàn với nhau tự khám xét quần áo và cặp-táp cho ra. Màn kiểm tra đầy căng thẳng cho tất cả mọi người, nhưng vẫn không ai tìm thấy cục nam châm ở đâu. Lớp học giải tán sau đó trong vẻ mặt nặng nề như chì của cả học trò và người đứng lớp.

Anh bạn có đứa con học trong lớp ấy, kể lại câu chuyện với nét mặt buồn. Đứa bé không đủ từ ngữ để mô tả sự kiện đó, nhưng chỉ cần nghe qua, có thể hiểu được ngay việc bị truy xét như một tội phạm, cũng như lo sợ một ai đó trong lớp mình trở thành tội phạm, đã khiến những đứa bé mang theo trong trái tim sự tổn thương khó thể chữa lành.

Câu chuyện về cách ứng xử thô thiển trong nhà trường nói trên, chỉ là một trong vô số những điều mà nền giáo dục học đường Việt Nam từ vài thập niên nay, cứ nở rộ. Báo chí hay phân tích về việc sách giáo khoa sai lầm, đóng tiền trường cắt cổ... nhưng có lẽ vẫn còn chưa đủ, khi thiếu tìm hiểu sâu hơn về việc trẻ em được giao phó cho nhà trường sẽ có một môi trường giáo dục tâm lý và ứng xử như thế nào, năm này qua năm khác.

Trong trường hợp của cô giáo bị mất cục nam châm đó, có thể thấy rằng từ một trạng thái bất lực về kỹ năng ứng xử tâm lý giáo dục học đường, cô giáo đó đã chọn cách mô phỏng hoạt động như một trại trừng giới thanh thiếu niên để giải quyết vấn đề. Cách thức này, gần 40 năm nay, người ta có thể bắt gặp ở khắp nơi, đơn giản từ việc tổ chức các thành phần học sinh trong lớp để chỉ điểm bạn bè về vi phạm nội quy, tổ chức các nhóm kiểm soát lẫn nhau và tạo ảo tưởng quyền lực như ban tặng danh hiệu "sao đỏ"... Thoạt nhìn những công thức này có vẻ hoàn hảo và thuận lợi cho nhà trường, nhưng ở một mặt nào đó, cũng tước đi những quyền kiểm soát đòi hỏi kỹ năng ứng xử học đường đầy cao quý của các thầy cô, đồng thời cũng khiến họ dễ mắc sai lầm khi thực tế bùng nổ những vấn đề mới.

Và đã nói về ứng xử, chúng ta có không ít những ví dụ khắp trên đất nước này làm cho bất kỳ phụ huynh nào cũng phải nhói lòng. Những em nhỏ bị chính thầy cô, nhà trường của mình đưa đến công an thẩm vấn như tội phạm, thậm chí có em bị đánh đập đến thương tật chỉ vì bị nghi ngờ lấy cắp hay nói dối. Mới đây, có em chỉ vì không thuộc bài bị thầy dùng gậy đánh đến bầm dập một cách ghê sợ chỉ để thị uy. Thậm chí ghê tởm hơn, còn có cả những chuyện như hiệu trưởng ở Hà Giang biến học trò thành trò chơi sa đoạ của mình và các quan chức trong vùng. Nhà trường mất dần đi dáng vẻ cổ kính hiền hoà, thầy cô mất dần đi hình ảnh đáng quý mà người Việt vốn đã có trong tâm thức từ hàng bao đời nay.

Hàng trăm năm nay, người Việt coi thầy cô là bậc trí giả ngang hàng với cha mẹ. Kẻ không tôn kính người dạy dỗ mình thường bị chê bai. Nhưng từ những gì đã thấy của cuộc sống bốn mươi năm nay, chuyện bị tổn thương và dồn ép đã xảy ra không ít vụ học trò đánh lại thầy ngay trong lớp học, hoặc thầy trò thanh toán nhau khi vừa bước khỏi cửa trường. Điều gì đang diễn ra? Môi trường giáo dục có đang bước vào một cuộc khủng hoảng chưa có tên gọi mà con cái của chúng ta đang là một trong những nạn nhân?

Có lẽ đã đến lúc cần xét lại khẩu hiệu lâu nay vẫn được ngành giáo dục hân hoan nâng cao, là việc so sánh thầy cô như những "kỹ sư tâm hồn". Cuộc sống và nền giáo dục hoàn toàn tế nhị. Thật khó khăn để dựng được nên một con người tử tế từ nhà trường, chứ không dễ dàng như một kỹ sư tạo ra một cỗ máy. Hơn nữa, khi "cỗ máy tâm hồn" được dàn dựng công nghiệp đại trà cho các thế hệ Việt Nam, thì quả là đại nạn cho gương mặt xã hội mai sau. Có lẽ, cũng từ quan niệm giáo dục công thức như vậy mà nhiều năm nay nhiều lớp giáo viên đã khô chai, bị hụt hẩng trước cuộc sống thật, ứng xử kém và thô thiển trong vai trò của mình, vốn có giá trị như cha, như mẹ với học trò.

Đến trường, với bao thế hệ người Việt là điều gì đó rất thiêng liêng. Nhà văn Thanh Tịnh đã viết về ngày đầu tiên của một người Việt bước đến thánh đường tri thức của mình một cách ngọt ngào, đến mức rung động lòng người mỗi khi đọc lại và thương nhớ. Người thầy đầu tiên cũng cao quý khôn tả bằng việc truyền lại những gì nhân ái và tốt đẹp nhất.

Trong truyện ngắn "Thầy học cũ của tôi" được kể lại bằng ngòi bút của nhà văn Edmond De Amicis, ông thầy già về hưu khi đi ngang ngôi trường, nghe tiếng trẻ đọc bài đã ứa nước mắt vì nhớ giáo trạch, nhớ học trò, thước bảng... và tiếc vì mình đã không còn sức để mang kiến thức đến cho con người. Khi nào thì chúng ta sẽ tìm thấy lại được hình bóng những thầy cô vĩ đại đó, thật gần, trong thế giới con trẻ hôm nay

Tuesday, November 11, 2014

Từ những gì đã mất

image



Nhậu say trong một buổi tiệc, viên phó công an xã đi đến nơi có 2 người phụ nữ không hề quen biết đang ngồi, và ôm hôn. Khi bị phản ứng, viên công an này lại tiếp tục ôm hôn người thứ hai, đồng thời nói chắc nịch và thách thức rằng muốn biết ông ta “là ai” thì cứ lên công an xã.

Tức giận vì sự càn quấy này, hai người phụ nữ đi lên công an xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nơi họ cư ngụ để hỏi cho ra lẽ. Không ngờ tất cả những viên chức nơi đó dù chưa kịp nghe lý lẽ, đã đều đứng về phe viên công an, nạt nộ họ như tội phạm. Thậm chí, sau đó công an ở xã còn còng tay họ và lên gối vào mặt người phụ nữ dám lên tiếng về quyền của mình.  Câu chuyện được kể lại, tưởng chừng như trong một vở tuồng tố cáo chế độ phong kiến xa xưa nào đó, thế nhưng mỉa mai thay, lại mới vừa diễn ra trước đám đông dân chúng trong một ngày tháng 11 này.

Những câu chuyện kể như vậy cứ xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang báo. Nhiều như trên một gương mặt của một xã hội xuất hiện những vết thẹo không thể xoá và quay quắt. Những vết thẹo làm căng thêm nỗi đau về một xã hội ngày càng bất an, trong đó, thật khó tả khi nỗi bất an lại xuất hiện từ quyền con người của phụ nữ Việt Nam đang ngày càng mong manh trong thời hiện đại. Trong lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Mai Thy, sinh năm 78, khi thấy tất cả cán bộ và công an ở trụ sở tay bắt mặt mừng với nhau và nạt nộ chị, chị Thy và người bạn đã “ngao ngán và biết chắc có thưa, trình bày thế nào cũng không ăn thua”. Khổ nổi, danh dự và niềm tin vào lẽ phải vẫn thúc đẩy chị lên tiếng và gánh lấy hậu quả.

Cũng trong những ngày đầu tháng 11, tin tức cho hay một ca sĩ nữ có tên tuổi ở Việt Nam sang Mỹ trình diễn, đã nhờ luật sư gửi thư đến một toà báo lớn ở thành phố Westminter, Mỹ để khởi kiện vì có bài viết mô tả về đêm diễn của cô với cộng đồng người Việt khiến cô không thấy hài lòng. Đơn kiện này đòi tờ báo phải xin lỗi, dựa trên quyền danh dự cá nhân và nghề nghiệp của cô. Điều đáng nói là, người ca sĩ này trước đó ở Việt Nam, nhiều năm liền cô bị báo chí và vài cá nhân trong ngành thời trang phê bình, tấn công thậm tệ, nhưng không thể nào đáp trả được. Ngay trong một xã hội mà lúc nào hình ảnh người phụ nữ cũng được ngợi ca là bình đẳng và phát triển, một ca sĩ tên tuổi cũng từng phải ngậm đắng nuốt cay chịu đựng khi bị chà đạp, thì thử hỏi tại miền tỉnh lỵ xa xôi, một phụ nữ vô danh sẽ phải làm gì khi bị bủa vây xúc phạm?

Phải chăng những người phụ nữ phải đi thật xa mới tìm thấy được công lý cho đời mình? Những dòng tin về các người chồng Đài Loan, Hàn Quốc đánh vợ Việt Nam phải ra toà, phải bồi thường… có khi lại là một niềm an ủi cho phụ nữ Việt Nam mỗi ngày vẫn nhìn thấy các bài diễn văn vô nghĩa về quyền bình đẳng giới, quyền của phụ nữ. Một người có quê cũng từ Bến Tre lưu lạc lên thành phố, kể rằng chị từng có quán cà phê yên ổn. Cho đến một ngày viên công an xuất hiện với nghi ngờ rằng chị bán ma tuý. Trong phòng thẩm vấn, chị bị đánh bằng những cuốn sách dày vào hai thái dương đến ngất đi mà không biết vì sao. Sự việc sau đó tìm ra thủ phạm, nhưng chị không hề có được một lời xin lỗi, thậm chí còn bị đe doạ là không được lên tiếng với bất cứ ai, ngay tại quê nhà của mình.

Có thể cuộc sống đã khiến con người quen với băng-rôn, quen với tiếng vỗ tay ồn ào huyễn ảo… và rồi chỉ còn biết thì thầm với những nghịch cảnh bất toại diễn ra trước mắt mỗi ngày. Trong những bài báo mô tả về việc khám phá các động mại dâm, hình ảnh và tên tuổi của những cô gái đang bị coi là kẻ xấu luôn được trần trụi giới thiệu, minh bạch như một khoái cảm của một nền báo chí nhiều nhục dục hơn công lý. Quyền và phẩm giá của phụ nữ Việt sẳn sàng bị trả về không, mỗi khi có cơ hội. Gần đây, việc khám phá một nhóm nam nữ vị thành niên ở Đà Nẳng sống quan hệ chung chạ lẫn nhau, báo chí không ngại ngần khi rõ tên họ, năm sinh từng em, trong đó có những em chỉ vừa 15, 16 tuổi. Chắc chắn dù có bị trừng phạt, những đứa trẻ đó mãi mãi không còn bao giờ tin vào hai chữ “giáo dục”, một khi chúng đã không còn tìm thấy bàn tay nâng đỡ mà chỉ có sự chà đạp thú tính và không thương tiếc.

Một trong những kiểu hình ảnh không khó gặp trên các trang mạng, là khi các cô gái bị bắt vì tội mại dâm hay bia ôm… nhiều cô gái không còn một mảnh vãi che thân phải chịu đựng cho máy quay phim chĩa vào người soi mói một cách bỉ ổi. Hoặc cũng thiếu những hình ảnh các cô gái gục đầu che mặt trong quán bar, nhà nghĩ khi công an ập vào. Nếu đó là những bức ảnh “nghiệp vụ”, thì tại sao lại có thể lọt ra ngoài và được phát tán với một niềm khoái cảm như vậy? Trên những bài báo mô tả về mại dâm, người đọc giờ chỉ còn nhìn thấy sự mô tả tồi tệ như mua vui về những người phụ nữ hơn là tìm hiểu với trái tim con người. Những kẻ mua dâm luôn được che chở, còn những người bán dâm thì bị hành hình bởi ngôn từ và hình ảnh. Có lẽ vì vậy mà nhiều năm nay, người Việt không còn khả năng nói về người Việt đủ nhân ái bằng một phóng sự của nhà báo Pháp Mathieu Bruckmuller trên tờ The 20 Minutes, khi buồn bã mô tả về những người phụ nữ nghèo khó ở quận 6, Sài Gòn, bán dâm để lấy 3,4 USD trên những chiếc chiếu tạm, gần đó là những đứa con của họ.

Dĩ nhiên, cuộc sống luôn có hai mặt của nó. Thế nhưng nếu hai mặt là hai cực nằm xa thăm thẳm nhau, thì lại là một khía cạnh khác giới thiệu về một căn bệnh của xã hội thích giả tạo và chối từ sự thật. Bớt đi những khẩu hiệu hừng hực về giá trị và quyền của phụ nữ, dành thêm thời gian thật để tôn trọng phẩm giá và công lý vốn đã quá mong manh cho những người em, người mẹ, người chị… là điều cần thiết lúc này. Biết trân trọng quyền con người, thật sự, ở từng sự kiện nhỏ nhất, đôi khi là cách gần nhất để dựng lại nền móng đã hoang tàn. Những nền móng của sự tử tế và nhân cách tốt đẹp của người Việt hôm nay, mong manh và dường như đang mất.

________________________
Tham khảo
http://baophapluat.vn/diem-nong/cong-an-huyen-say-xin-hon-phu-nu-giua-duong-cho-vui-200726.html

Sunday, November 9, 2014

Những điều đáng nhớ về “Bức tường ô nhục” ở Berlin

(nhân kỷ niệm 25 năm sụp đổ của bức tường do Cộng sản Đông Đức dựng nên ở Châu Âu)

635509686605214907-AXX-boomdouble-berlin-wall

Bức tường ngăn cách nước Đức, một bên là cộng sản và một bên là tự do, từng được gọi là “bức tường ô nhục”. Năm 1989, khi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Đức lộ diện đủ bộ mặt là một con ác thú, yếu dần đi trong sự chán ghét của nhân dân, bức tường này đã sụp đổ, trả lại tự do cho toàn thể người Đức.

Ngày 09 tháng 11 năm nay, là ngày đánh dấu kỷ niệm 25 năm sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Giờ đây, bức tường và các rào cản chỉ còn mang tính biểu tượng, gợi nhớ một giai đoạn lịch sử từ 1961 đến năm 1989, và là biểu tượng đỉnh cao về sự căng thẳng trong cuộc Chiến tranh Lạnh.

Tại Đức, nhân ngày kỷ niệm 25 năm đập bỏ bức tường này, các nghệ sĩ đã tái tạo bức tường với quả bóng trắng chiếu sáng dọc theo con đường. 8.000 quả bóng bay được trang trí dài hơn chín dặm trong thành phố đã được thả bay lên, như một ký ức khốn khổ về cuộc sống chịu đựng chủ nghĩa cộng sản và hận thù, chỉ còn lại hiện thực tự do quý báu cho dân tộc Đức.

Tờ USA Today cho biết vài bí mật về bức tường này, đáng nhớ, mà không phải ai cũng biết.

Có một sai lầm quan trọng đã giúp dẫn đến sự sụp đổ của Bức tường, là thành viên Bộ Chính trị Đông Đức Guenther Schabowski đã nhầm lẫn một thông báo, mà ông ta nghĩ rằng cho phép người dân Đông Đức được vào Tây Đức. Lệnh có có hiệu lực ngay lập tức, ngày 9 tháng 11, 1989.

Những gì thế giới nhìn thấy về bức tường Berlin, thật sự chưa đù. Đó là hai hàng rào bê-tông với 160-yard bất khả xâm phạm ở giữa, được canh phòng ngày đêm bởi tháp canh, hầm, chó bảo vệ đi tuần, đèn pha và súng máy.

Sau khi sụp dổ, nhiều phần của bức tường đang được trưng bày ở các viện bảo tàng hoặc trong bộ sưu tập cá nhân trên toàn thế giới. Nếu ai đó muốn mua làm kỷ niệm thì một mẩu nhỏ có giá ít nhất là 10 $ trên eBay.

Đã có nhiều cuộc di cư hàng loạt của người dân Đông Đức vào Tây Đức, kể từ 15 năm trước khi bức tường Berlin được dựng lên vào năm 1961. Và mặc dủ bức tường này được ngăn lên để ép buộc người dân phải sống trong chế độ cộng sản, nhưng các thống kê cho thấy có đến 1 phần 6 dân số Đông Đức đã đào thoát qua Tây Đức, kể từ khi bức tường được dựng lên.

Tổng thống J. F. Kennedy đã đến thăm Berlin Wall vào mùa hè năm 1963, không lâu trước khi ông bị ám sát rằng tháng Mười Một. Một bài phát biểu của Kennedy được hưởng ứng nồng nhiệt khi hàm ý rằng bức tường Berlin có thể giúp toàn thế giới hiểu rõ những chia rẽ giữa các thế giới cộng sản và không cộng sản.

Năm 1987, tổng thống Mỹ R. Reagan trong một bài diễn văn, đã thách thức nhà lãnh đạo Nga Mikhail Gorbachev có thể “xé toạc bức tường này" trong một bài phát biểu gần Bức Tường, vào tháng sáu 1987.

Khi B. Clinton đến thăm vào năm 1994, ông nói với đám đông người dân Berlin, "Các bạn đã chứng minh rằng không có tường nào có thể mãi mãi giam giữ được sức mạnh vĩ đại của tự do".

Trong chuyến thăm của Tổng thống Obama vào tháng 6 năm 2013, bài phát biểu cũng nhấn mạnh rằng "Khi chúng ta có thể đứng đây ngày hôm nay, nơi bức tường bị phá vỡ, nơi một thành phố bị chia cắt, nói chuyện về một chân lý vĩnh cửu: rằng không có bức tường nào có thể chống lại lòng khát khao công lý, sự khao khát tự do, khao khát hòa bình cháy bỏng trong trái tim con người", ông nói.

Việc thống nhất chính thức của Đông và Tây Đức được ký kết vào ngày 03 tháng 10 năm 1990, gần một năm sau sự sụp đổ của Bức tường.

Âm nhạc đã góp phần quan trọng vào việc sụp đổ chủ nghĩa cộng sản ở Đông Đức. Tháng 7 năm 1988, khi ngôi sao nhạc rock Bruce Springsteen trình diễn ở Đông Berlin, những phát ngôn và thái độ từ buổi hoà nhạc này đã thúc đẩy thêm sự phát triển của giới bất đồng chính kiến tại thành phố, theo tường trình của CBC. Bruce đã nói với đám đông ở Đức rằng, "tôi đã đến để chơi nhạc rock 'n' roll cho bạn với hy vọng rằng một ngày nào đó, tất cả những rào cản này sẽ được dỡ bỏ."

Nhạc trưởng Leonard Bernstein, đã cùng dàn nhạc của mình thực hiện một loạt các buổi biểu diễn đầy cảm động tại địa điểm trên cả hai bên của bức tường, vài tuần sau khi bức tường này sụp đổ. Dàn nhạc quốc tế của Bernstein bao gồm các nhạc sĩ từ bốn quốc gia đã tiến vào Berlin sau khi kết thúc chiến tranh thế giới II: Hoa Kỳ, Liên Xô cũ, Pháp và Anh. Bernstein trình diễn bài Symphony số 9 của Beethoven, và thay đổi phần cuối cùng "Ode to Joy", thay bằng bài "Ode to Freedom".

Một phần của bức tường này trở nên nổi tiếng thế giới. Checkpoint Charlie, chính thức được gọi là Checkpoint C, là biệt danh lừng danh mà phe đồng minh phương Tây đã chọn làm điểm qua lại biên giới giữa Đông và Tây Berlin.

Ngoài ra, cổng Brandenburg là một kiến trúc có từ thế kỷ 18, đánh dấu phần bắt đầu của một con đường dẫn từ Berlin tới thị trấn Brandenburg. Bởi vị trí quan yếu này mà cánh cổng được nối với bức tường Berlin trong một thời gian dài.

Việc đập bỏ hoàn toàn Bức tường Berlin kết thúc vào năm 1992, theo BBC. Đánh dấu hoàn toàn việc chấm dứt bóng ma cộng sản trên đất nước Đức.

(Lược dịch)

Wednesday, November 5, 2014

Ghi chép về những cái tên

Trên đường rong ruỗi, ngẫu nhiên quen biết một anh bạn người Việt từng là triệu phú ở Pháp. Anh kể cho tôi nghe chuyện anh làm ăn cực nhọc trong hơn chục năm, may mắn trúng nhiều thương vụ, và trở thành triệu phú ở độ tuổi 30. Thế nhưng chẳng may khi đến Mỹ, lao vào Las Vegas chơi đỏ đen, anh trắng tay và phải làm lại từ đầu.

Anh bạn kể chuyện đời, rồi nói chuẩn bị đi đổi tên "xả xui", bắt đầu một cuộc đời mới. Chuyện đổi tên ở nhiều nước trên thế giới rất dễ dàng, có nơi chỉ cần 15 phút, có nơi khó khăn thì khoảng 1 giờ. Ai thích đổi tên gì thì tuỳ. Thậm chí đặt một cái tên nghe như Châu Phi hay Trung Đông cũng chẳng sao.

Ngạc nhiên về một hệ thống hành chánh cho phép thay đổi danh tính quá nhanh gọn như vậy, tôi tò mò hỏi thêm thì bị anh bạn cười chọc. "Đó là quyền của mỗi cá nhân. Ở đâu cũng cũng vậy. Nếu anh được gọi là công dân mà không có đủ quyền cho riêng đời mình thì còn gì là văn minh?", anh bạn này nói.

Câu chuyện gợi nhớ về nghĩa trang đồng nhi ở Gia Lai. Nghĩa trang của một người bạn tự bỏ tiền ra xây từ nhiều năm trước, nay thì hai bên đồi đã có hàng chục ngàn ngôi mộ nhỏ. Những dãy mộ được phân biệt giới tính bằng cách nếu là nam thì sơn xanh, nếu là nữ thì sơn màu hồng. Anh bạn không đủ sức đặt tên riêng cho vô số những sinh linh bị lìa bỏ trước khi nhận biết thế gian như vậy, nên trên các bia chỉ ghi chung Nguyễn Vô Danh và Nguyễn Thị Vô Danh. Một chiều mưa rất lạnh và âm u, đứng giữa nghĩa trang đó, tôi tự hỏi nếu như từ lớp lớp mộ phần đó, những đứa trẻ hồi sinh, chúng sẽ rũ bùn đất, đứng dậy, ùa chạy vào cuộc đời hay nhẫn nại xếp hàng để chờ được đặt một cái tên đúng cho mình?

Nghĩa trang đó cũng không có tên, người bạn lập nên nghĩa trang cũng từ chối giới thiệu tên mình ra ngoài. Hàng ngàn sinh linh nằm trên những ngọn đồi và hoa dại cũng không có tên. Những cái tên không làm nên cuộc sống. Tên chỉ thật sự là việc xác lập ước lệ quyền nhân thân, xác lập sự khác biệt tương đối của cuộc sống giữa người với người. Nhưng ở ngọn đồi đó, ngay cả những cái chết cũng không cần có tên để giới thiệu sự tồn tại.

Dự luật đòi phải pháp lý hoá, quy chuẩn những cái tên phải thuần Việt của đại biểu Nguyễn Thị Nhung trước quốc hội, cuối tháng 10 mới đây, đã khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ và mỉm cười. Chỉ mới là cái tên thôi, giờ đây đã là gánh nặng mỏi mệt và nhiêu khê thủ tục của một kiếp sống. Tên không còn là tên, mà tên đã trở thành một mã số chuẩn được chấp nhận. Rồi biết đâu, nay mai, thành công của dự luật này sẽ thúc đẩy sự việc phát sinh dự luật thuần Việt cho súc vật, không được đặt tên người cho chó mèo?

Cũng ở Gia Lai, câu chuyện về những đứa trẻ mồ côi may mắn có được tên trên giấy tờ có thể sẽ gợi mở được nhiều điều để suy ngẫm. Vài năm trước, một Dì phước (soeur) trẻ chăm sóc trẻ mồ côi ở Cô nhi viện trên thành phố Pleiku kể rằng mỗi năm, nơi này cứu không biết bao nhiêu trẻ bị bỏ rơi. Có những đứa trẻ người dân tộc thiểu số bị chôn sống theo mẹ, khi cứu được thì phải mất gần cả 2 tuần lễ những vết kiến lửa ăn quanh mắt mới gần lành.

Những đứa trẻ này khi 15 tuổi, được cô nhi viện dẫn đi làm giấy tờ cũng gặp không phải là dễ. Rất nhiều em bị từ chối không cấp chứng minh nhân dân với lý do không khai sinh, không rõ nhân thân. Các dì phước phải nhờ những người dân tộc đứng ra nhận chúng làm con, lấy họ người dân tộc để có mảnh giấy ra đời. Rất nhiều đứa trẻ người Kinh đã mang những cái họ không thuần Việt vì nhiều người dân tộc thiểu số của họ có họ theo tên thánh, hay những cái họ bằng tiếng Pháp, tiếng Anh... truyền đời từ những ngày đầu bước vào thế giới văn minh đến nay. Cũng may là chúng đã bước vào đời, dù cái tên không thuần Việt.

Tôi lại nhớ cuốn sách mình vừa đọc của tác giả Trà Vigar, nhớ những bức ảnh của Ina Jara, nhớ giọng ca Ksor Đức, Danh Nay, David Boo... Những người bạn dân tộc thiểu số trên đất nước này, với suy nghĩ rằng những cái tên của họ đa dạng và đẹp đẽ, chứ không phải là những cái tên để đón nhận sự phán xét.

Khi viết đến những dòng cuối của bài viết này, tôi nhìn thấy một người Mỹ già cầm tấm bảng xin tiền, ghi trên đó là một người không nhà cần giúp đỡ. Bỏ vào tay ông mấy đồng, hỏi thăm tên ông. Người ăn xin đó lịch sự hỏi lại tên, và tò mò "anh là Trung Quốc hay Nhật". Sau khi biết là người Việt, ông ta cẩn thận hỏi lại cái tên, vì khó đọc "Kane?". Tôi gật đầu cười và bước đi. Cái tên có quan trọng gì đâu, chỉ cần biết tôi là một người Việt, đã tốt rồi.


(Ảnh: Giang Đông Du)

Sunday, November 2, 2014

Tán gẫu đêm ma quỷ

Đêm Halloween, ngồi nói chuyện sư sãi đời nay, nghe mà phát khiếp không kém gì kể chuyện ma. Văn minh nhân loại dần tàn, không ít loại sư cũng như ma, cứ trộn lẫn trong đời thường chúng sinh.

Mới đây, một anh bạn hay vào internet, gửi cho xem câu chuyện đang xôn xao khắp nơi, về một vị sư kêu gọi xây dựng quân đội vững mạnh như Triều Tiên. Bài phát biểu được ghi lại ở Quốc Hội Việt Nam, tháng 10/2014. Phóng viên chụp hình ghi lại khoảnh khắc ông sư mở to miệng, mắt trừng lên quả quyết. Chiến tranh và kẻ thù chính trị có thể nhìn thấy rõ từ miệng và mũi của ông. Sư hừng hực sát tâm.

Mọi người trong cuộc trò chuyện, nhân đêm ma quỷ trên trần gian, nhắc nhau rằng trên thế gian này, chỉ có quân đội Triều Tiên là duy nhất điên cuồng với lý tưởng Cộng sản, sẳn sàng chết để bảo vệ chế độ chứ không phải là bảo vệ dân tộc hay tổ quốc. "Một bài phát biểu có tính toán với tư duy chính trị xuyên suốt. Ông sư này không hề điên khùng, chỉ có điên cuồng thôi", một người nói.

Khác với nhiều quốc gia khác, quân đội của Triều Tiên lừng danh với máu lạnh và sự hy sinh vô nghĩa cho một nhà nước độc tài nhất nguyên. Lịch sử của cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) để lại không biết bao nhiêu là đau thương, đặc biệt là sự tàn độc của những người lãnh đạo Cộng sản Bắc Triều. Kể cả khi rút đi vì thua trận, đạo quân này vẫn được lệnh phải cài lại các bẫy rập, để mong giết thêm được một ít người dân miền Nam.

Tạp chí Jane, năm 2013, các cuộc phối hợp sáng tạo vũ khí quân sự của Mỹ và Israel, các bộ óc siêu việt nhất của 2 quốc gia này đang đi dần đến kết quả của loại vũ khí hằng mơ ước là tấn công hiệu quả mà không cần phải sát hại bất cứ ai, thì trong khi đó, Bắc Triều lại tìm ra cách xử tử con người ghê rợn bằng đại bác hoặc cho chó đói xé thịt.

Chắc hẳn vị sư này đã nghiên cứu và hả hê về tính tàn bạo của Bắc Triều nên nêu đích danh quân đội này để yêu cầu Việt Nam noi theo. Không nghe ông sư này nói gì và băn khoăn gì trước thời mạt pháp đảo điên, chính nơi xứ Việt, sư thầy, sư cô quái gở lừng danh như những hot boy, hot girl.

Cuộc trò chuyện Halloween với những người bạn về Phật giáo Việt Nam chắc mấy chốc trở thành một cái nhìn bao quát. Những sự kiện náo loạn về sư, về chùa... hôm nay đọc mà đỏ mặt. Từng chuyện xâu lại như chuỗi tràng hạt nhưng không phải để niệm lên Phật tính, mà như cào cấu đến cõi tâm linh phải rướm máu. Đạo Phật buồn như chiều hiu hắt, mắt Phật buồn như ngày thấy cảnh lâm chung của nhân gian.

Nước Việt trong lịch sử, trãi qua những thời kỳ Phật giáo phát triển vĩ đại nhất như 200 năm thời Lý - Trần, khó mà tìm được các sư lạ kỳ như lúc này. Điện thoại Iphone 6 đắt như quan tài thượng hạng, vừa xách tay đến xứ Việt thì các sư đã có. Có sư còn đập hộp khoe hàng. Dân chúng cười khinh khi, các sư quan trên thì tím mặt, hô to "phải kỷ luật!".

Ai mà biết được những sư quan giận tím mặt đó, ai là đang lo lắng cho an nguy Phật đạo, ai là lo cho những sự xa xỉ không kém của mình bị trò lố của đồng đạo làm vỡ lỡ? Nói theo kiểu Kinh thánh, thì nếu như sư khoe của vỗ tay, hát rằng "ở đây ai không giấu của cải ăn xài, không hưởng thụ riêng thì hãy ném tôi viên đá đầu tiên". Chắc rằng sẽ không ai trong nhóm sư quan đòi kỷ luật ấy dám giơ tay động thủ.

Bởi vậy, chuyện từ bên trong lộ ra, mới nghe kể rằng ông sư xài điện thoại sang như bí thư, chủ tịch quận đến họp kiểm điểm cười hề hề, nhân tiện lại chụp hình post lên facebook làm vui và ra về. Chẳng ai làm được gì ông. Tín đồ buồn giận trách ông sao lố bịch, ông trợn mắt nói là người "thẳng thắn" mới vậy.

Những câu chuyện nước Việt đêm ma quỷ khiến tôi nhớ lại những tháng ngày lặn lội lên các chùa làm từ thiện, nhìn thấy mình, nhìn thấy người, tự cười rồi quay lưng ra về không bao giờ muốn quay lại.

Có chùa mở ra chuyện coi bói. Sư mập béo nghe cô gái đến đặt quẻ hỏi chuyện tình duyên chờ ngày kết hôn đi nước ngoài, sư gầm lên, vằn vện như cọp, nói như chính trị viên "tại sao mà cô cứ mơ màng đi mấy cái nước tư bản đó, đi đi, đi cho chết đi!".

Có chùa xin quỹ cho trẻ em hiếu học. Leo núi hồng hộc đến giao quà. Đến giờ phát, tự nhiên sư trẻ giật micro giữa chương trình, hớn hở hô to "các con phải biết ơn bác Hồ, phải thuộc 5 điều bác dạy nghe". Người cho quà phải giằng co, giật micro lại "Đây là quà của cá nhân chú, chú muốn tụi con thương cha mẹ, học giỏi để đỡ đần cho cha mẹ thôi nha". Chịu thôi, 5 điều bác dạy, đâu có thấy dạy thương cha mẹ bao giờ.

Có chùa bước vô, tượng Phật nhỏ đìu hiu đặt bên cạnh hình ông Hồ Chí Minh to vật vã. Người miền Nam ngưỡng Phật thiệt tình không quen mấy cảnh này. Một người bạn đi cạnh thì thầm "trời ơi, sao kỳ vậy", vậy mà một sư cũng nghe được, nhanh nhẹn như Hoả Hầu Vương, nhảy ra, hỏi bằng giọng Bắc cộc lốc "cần gì?". Thôi. Bái bai sư để đời còn vô sự.

Cũng đâu cần đến chùa. Có lần đi máy bay vô tình ngồi kế một Sư trẻ, tưởng được nghe Phật pháp, ai ngờ nói chuyện được một chút, nghe sư nói rắn như đang trong đồn thẩm vấn "Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất là một tổ chức phản động, đã chết". Một anh bạn làm trong Liên hội Phật ở California kể chuyện phong trào các sư trẻ cầm sự vụ lệnh qua Mỹ mở chùa, kiếm tiền nhiều khôn xiết. Làm ăn có trưng hình Phật giờ khá lắm. Có sư làm lộ quá bị trục xuất đuổi về. Ô hô ai tai.

Ngàn năm trước, nghe rằng khi chuẩn bị nhập diệt, đức Phật để lại lời dặn "Thời mạt pháp, rồi chính đệ tử Như Lai sẽ bán Như Lai". Ở xứ Việt hôm nay, sư và chùa nhiều vô kể, nhưng kẻ bán Như Lai cũng nườm nượp không kém chợ đời. Lời dặn của Phật đáng lưu hơn ngàn bài giảng nơi cửa miệng của kẻ tu hành ám muội.

Khoác chiếc kasaya đâu có nghĩa là sư, miệng xưng Phật cũng đâu là Phật. Thời chính thể vô thần, khó biết được sư khoác chiếc áo hôm nay, là che chiếc áo gì hôm qua, hay để tiện giấu khẩu K.54. Đôi khi đi ngang chùa, nghe mõ chuông rầm rĩ, chỉ muốn chạy về ruộng đồng để nghe tiếng mô Phật không lời, giữa thinh không.